Vedan lại vướng "nghi án" đổ trộm chất thải ra môi trường
Ngày 12/4, Phòng PC49 của Công an tỉnh Đồng Nai đã mở rộng điều tra vụ việc đổ trộm hơn 50 tấn tấn chất thải từ Vedan ra môi trường.
Cụ thể 15h ngày 9/4, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai đã ập vào bắt quả tang 2 xe tải ben mang biển số 60N-5679 và 60L-4079 đang đổ trộm chất thải chưa qua xử lý ra bãi đất trống thuộc KP3, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai.
Tại hiện trường lực lượng chức năng đã ghi nhận khoảng trên 50 tấn chất thải công nghiệp bột đen nhuyễn có mùi hôi thối khó chịu đã được đổ đầy ra môi trường chờ san lấp.
Bước đầu 2 tài xế điều khiển 2 xe tải trên là Nguyễn Hữu Chung (43 tuổi) và Nguyễn Minh Quang (51 tuổi cùng ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) khai nhận chở thuê cho một người là mai mối hàng hóa có tên Hoàng Đức Phát ngụ ở huyện Long Thành. Theo nhiều nguồn tin, anh Phát làm việc tại Công ty TNHH Vedan,
Được biết, theo thỏa thuận thì mỗi chuyến vận chuyển tài xế được trả trọn gói là 1,3 triệu đồng tương đương 14 tấn/1 chuyến. Cung đường vận chuyển là từ H.Long Thành về P.Long Bình, TP.Biên Hòa.
Theo thông tin ghi nhận có hơn 50 tấn chất thải công nghiệp (dạng bột bùn đen nhuyễn có mùi hôi khó chịu) đã được đổ tại đây. PC49 nhận định có khả năng đây là chất thải công nghiệp thải ra từ các dây chuyền nhà máy bột ngọt Vedan.
Ngày 11-4, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang làm việc với hai tài xế xe tải và Công ty TNHH Vedan vì liên quan đến việc đổ trộm hơn 50 tấn chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.
Hiện trường hơn 50 tấn chất thải độc của Vedan
Như vậy, sau gần 10 năm, một lần nữa Vedan bị nghi ngờ có liên quan tới việc đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường. Còn nhớ, năm 2006, đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đã từng “hỏi thăm” đột xuất Công ty Vedan. Vào thời điểm này, Công ty Vedan có ba hệ thống xử lý nước thải khác nhau: hệ thống xử lý nước thải chế biến tinh bột biến tính bằng công nghệ UASB (gọi tắt là hệ thống UASB), xử lý nước thải chế biến tinh bột bằng hệ thống hồ sinh học tự nhiên, hệ thống xử lý nước thải sinh học sản xuất lysin từ mật rỉ đường.
Nước thải sau xử lý của hệ thống UASB còn lưu lại hàm lượng cyanure ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép thấp nhất là bảy lần và cao nhất 34 lần, trong khi tiêu chuẩn VN giới hạn hàm lượng loại chất độc hại này có trong nước thải sau xử lý phải nhỏ hơn 0,1 mg/lít.
Trong nước thải sau xử lý của hệ thống hồ sinh học ở Công ty Vedan, cơ quan chức năng còn phát hiện có mẫu nước thải mà hàm lượng chất cyanure chứa trong đó vượt tiêu chuẩn VN đến 5.600 lần - một mức gây ô nhiễm độc hại rất lớn.
Từ thực tế này, tháng 8/2006 Bộ TN&MT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình trạng ô nhiễm ở sông Thị Vải. Theo Bộ này, có nhiều nguồn gây ô nhiễm sông Thị Vải được liệt kê như khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2, Gò Dầu... và cả Công ty Vedan.
Sau hơn một năm bị phát hiện xả nước thải "chui" ra sông Thị Vải, tháng 9/2008, Viện Tài nguyên và Môi trường TP HCM công bố kết quả nghiên cứu dựa trên các quan trắc kỹ thuật, cho thấy Vedan đã gây ra 80-90% ô nhiễm cho sông Thị Vải.
Bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải. Nước sông tại các vùng này bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, đóng ván, cá chết hàng loạt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân nơi đây.
Báo cáo của Viện Tài nguyên và Môi trường, gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản của khu vực này bị thiệt hại. Tỉnh Đồng Nai có hơn 2.100 ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá bởi nước ô nhiễm, còn TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị ảnh hưởng gần 600 ha.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét