Bình thuận: Cần đầu tư xây dựng thêm đê, kè ngăn biển xâm thực
Để khắc phục tình trạng sạt lở do biển xâm thực mặn, hơn 3 năm qua tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xây dựng hệ thống đê kè ngăn biển xâm thực trên địa bàn rộng của toàn tỉnh. Tuy nhiên do bờ biển quá dài, nên hiện nay ngoài những nơi đã có kè bảo vệ, còn lại người dân vẫn sống trong tình trạng nơm nớp những nổi lo sợ.
Sạt lở- Ảnh
Theo số liệu thống kê, bờ biển Bình Thuận dài 192 km, có 20 cung bờ biển từ Tân Thắng (Hàm Tân) đến Cà Ná (Tuy Phong). Trong đó có 14 cung bờ ít xảy ra hiện tượng bồi xói, còn 6 cung bờ thường xuyên xảy ra xói lở nghiêm trọng, làm xạc lỡ mạnh, cần phải có biện pháp bảo vệ do ảnh hưởng đến khu dân cư, khu du lịch như: đoạn bờ biển xã Tiến Thành (thành phố Phan Thiết), bờ biển thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong)…
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho hay, do cấu trúc địa chất ven bờ biển gồm cát, đất bở rời nên rất dễ bị xói lở khi có sóng biển vỗ mạnh vào bờ. Qua khảo sát cho thấy có những vùng biển xâm thực mạnh vào đất liền từ 10 - 20m mỗi năm, cụ thể như thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (thành phố Phan Thiết).
Để chống chọi với nạn biển xâm thực, tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi đầu tư xây dựng kè tại những khu vực nguy hiểm nhất. Toàn tỉnh hiện có hơn 15.000m đê, kè biển được xây dựng hoàn chỉnh với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Trong đó có những kè được chú trọng đầu tư lớn như: kè chắn sóng Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong); kè biển Đồi Dương và phường Hưng Long (thành phố Phan Thiết)… Tuy nhiên hệ thống kè hiện nay còn quá ít so với những khu vực bị biển xâm thực. Chỉ tính riêng tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, từ năm 2011 đến nay tình trạng biển xâm thực đã làm sập hoàn toàn 81 căn nhà. Trong tháng 12/2014, triều cường, sóng biển lớn đã xâm thực sâu vào khu dân cư thôn Tiến Đức trên chiều dài hơn 700m làm sập 8 căn nhà và 75 căn nhà khác đang bị sóng biển đe dọa nghiêm trọng. Thành phố Phan Thiết đã khẩn trương cho di dời 24 hộ bị biển xâm thực nặng nhất đến nơi an toàn.
Việc xây dựng kè ngăn biển xâm thực trong những năm qua đã được sự quan tâm rất lớn của tỉnh ủy. Nhưng do bờ biển dài, lại phát sinh nhiều nơi sạt lở mới, nên việc đầu tư rất tốn kém về kinh phí, trong lúc ngân sách có nhiều khó khăn nên tỉnh phải giải quyết dần từng bước. Tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng để triển khai xây dựng kè bảo vệ khu vực bờ biển thôn Tiến Đức và đường Trần Lê an toàn.
Hiện nay những nơi có kè chắn sóng, cuộc sống của người dân đã tạm ổn dần, không phải lo sợ triều cường xâm thực cuốn ra biển. Còn tại các khu nhà dân ven biển bị xâm thực, người dân vẫn phải tự đóng cừ tràm, đắp bao cát làm kè để bảo vệ nơi ở cho mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét