KỸ SƯ MÔI TRƯỜNG LƯƠNG CAO, NHIỀU CƠ HỘI TU NGHIỆP Ở NƯỚC NGOÀI
Một lời chia sẻ chân thành từ anh Tạ Hùng Anh hiện đang là giảng viên trường đại học Bách Khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, anh cũng đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quản Lý Công Nghệ Môi Trường tại AIT, Thái Lan, là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.
Là người quan tâm đến công tác giáo dục bậc ĐH, đặc biệt là lĩnh vực môi trường, anh Tạ Hùng Anh đã dành cho OISP một cuộc trao đổi xung quanh ngành học Quản lý và Công nghệ Môi trường, những triển vọng nghề nghiệp của sinh viên (SV) sau khi ra trường cũng như vai trò, tầm quan trọng của kỹ sư môi trường đối với xã hội.
* Anh có thề chia sẻ tóm lược quá trình học tập và làm việc của mình?
- Tôi tốt nghiệp cử nhân Công nghệ Sinh học Môi trường và thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Tiếp thị và làm quản lý tiếp thị gần năm năm trong ngành kinh doanh thiết bị y tế; sau đó giảng dạy tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Hiện tôi đang làm Nghiên cứu sinh ngành Quản lý Công nghệ Môi trường về Đổi mới mô hình kinh doanh dịch vụ quản lý bùn thải.
Thạc sĩ Tạ Hùng Anh (phải) cùng Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TP.HCM Vũ Thế Dũng trong chuyến thăm Viện Công nghệ Châu Á. - Ảnh: OISP
* Vì sao từ một thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Tiếp thị, anh lại chuyển hướng sang nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quản lý Công nghệ Môi trường?
- Môi trường là ngành học liên ngành (Multi-discipline), nên theo học ngành này, bạn cần và sẽ có kiến thức cơ bản đa ngành về sinh học, hóa học, vật lý, quản trị, luật học… Sau đó, bạn sẽ đi theo lĩnh vực chuyên sâu mà bạn có hứng thú và có khả năng tốt nhất như xử lý nước và chất thải, đánh giá tác động môi trường, sáng chế sản phẩm bảo vệ môi trường...
Tôi theo học tiến sĩ ngành Quản lý Công nghệ Môi trường (Environmental Technology Managment) do được học bổng của Bill & Melinda Gates Foundation. Và ngành này có thể kết hợp hai chuyên môn hiện có của tôi là Công nghệ Sinh học Môi trường và Quản trị Kinh doanh và Tiếp thị.
* SV ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường sẽ được học những gì?
- Tùy theo cấp bậc ĐH hay sau ĐH. Cụ thể, SV ngành Quản lý và Công nghệ Môi trường thuộc chương trình Chất lượng cao sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý tài nguyên, công nghệ xử lý nước cấp, nước thải, khí thải và chất thải rắn...
Ở bậc sau ĐH, nghiên cứu sinh sẽ học chuyên sâu về các ngành tự chọn như: Air Pollution and Air Quality Management (Quản lý chất lượng và sự ô nhiễm khí), Solid Waste Management (Quản lý chất thải rắn), Environmental Impact Assessment (Đánh giá tác động môi trường), Membrane Technology in Water and Wastewater Treatment (Công nghệ màng trong xử lý nước và nước thải), Environmental Health and Sanitation (Sức khỏe và vệ sinh môi trường), Applied Microbiology and Laboratory (Vi sinh ứng dụng và phòng thí nghiệm), Physico-Chemical Proecesses (Quá trình hóa lý), Toxic Organics and Trace Metals in Ecosystem (Độc chất hữu cơ và kim loại vi lượng trong hệ sinh thái)…
Càng lên cao, sau khi có kiến thức tổng quát chung, học viên sẽ học chuyên sâu theo ngành và đối tượng nghiên cứu của mình như nước, chất thải, không khí, kinh tế môi trường....
* Triển vọng nghề nghiệp của ngành này ra sao, và vai trò của kỹ sư môi trường đối với xã hội như thế nào, thưa anh?
- SV tốt nghiệp ngành môi trường có thể đảm nhiệm công tác nghiên cứu, quản lý, chuyên viên, kỹ sư tại các trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý môi trường, các tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ về môi trường, các công ty cấp thoát nước, doanh nghiệp tư vấn giải pháp môi trường, các nhà máy sản xuất, ban quản lý môi trường tại các khu công nghiệp, chế xuất…
Tại tất cả các công ty, nhà máy sản xuất chuyên nghiệp hầu như đều cần kỹ sư môi trường để thực hiện công tác quản lý, sáng chế, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, công nghệ, quy trình phục vụ con người theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
* Tại Việt Nam, xã hội chưa có cái nhìn đúng đắn và thiện cảm về ngành môi trường (phải tiếp xúc thường xuyên với sự ô nhiễm, hôi thối, độc hại) cũng như công việc của kỹ sư môi trường (không “cao sang”, sạch sẽ như những kỹ sư khác ở lĩnh vực xây dựng, hóa dược, điện tử...). Làm cách nào để đổi chiều suy nghĩ của xã hội theo hướng tích cực?
- Nhìn chung điều kiện làm việc và quy trình lao động tại Việt Nam còn thiếu thốn nên hầu như làm việc trong ngành nào cũng gặp sự ô nghiễm, độc hại nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ. Cụ thể là, bác sĩ cũng có nguy cơ tiếp xúc nguồn bệnh, kỹ sư hóa dược cũng tiếp xúc nhiều với hóa chất, nhân viên văn phòng ngồi nhiều giờ trước máy tính… Quan trọng là người làm việc/ lao động tuân thủ quy trình chuẩn để giảm tác động của nghề nghiệp.
Làm việc trong ngành môi trường, người làm việc sẽ càng có ý thức và hiểu rõ ràng các quy tắc vệ sinh căn bản và có nhiều biện pháp, dụng cụ để bảo vệ bản thân khi làm việc.
Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia ngành Môi trường tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. - Ảnh: THI CA
* Còn về nhu cầu nhân lực/ lương bổng ngành này tại Việt Nam và trên thế giới?
- Xu hướng chung của thế giới là sản xuất, tiêu dùng xanh, sạch nên Việt Nam và các nhiều nước đều theo tuân theo nhiều tiêu chuẩn môi trường nên nhu cầu những nhân lực làm việc trong ngành sẽ ngày càng tăng.
Mặt bằng lương của ngành này thuộc dạng cao (theo năng lực) cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Cơ hội tu nghiệp nước ngoài cực kỳ nhiều.
* Theo anh, những phẩm chất “must-have” của một kỹ sư môi trường (giỏi) là gì?
- Cần mẫn, làm việc nhóm giỏi và yêu thích thiên nhiên.
* Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của chương trình đào tạo đại học chất lượng cao bằng tiếng Anh đối với ngành môi trường?
- Một sự thật là: hầu như tất cả các bạn tốt nghiệp kỹ sư ngành môi trường đều có học bổng học tiếp sau ĐH hoặc làm việc trong môi trường quốc tế không phải vì các bạn quá xuất sắc mà vì các bạn ấy giỏi tiếng Anh.
Hiện tại, học bổng du học tại Nhật, châu Âu, Mỹ... cho ngành môi trường là cực kỳ nhiều, bạn sẽ không phải cạnh tranh gay gắt như trong các ngành khác, miễn là bạn có vốn tiếng Anh khá giỏi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét