Đây là một giải pháp rẻ tiền, nhưng rất hiệu quả.
Từ xa xưa, trong y học cổ truyền, một số vị thuốc thường được sử dụng đi liền với nhau trong các thang thuốc bổ để tăng cường tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng, giúp cho quá trình trao đổi chất được điều hòa và cân bằng. Thông thường, đó là các vị bạch truật, sử quân, hoài sơn, xa tiền, mạch nha, sơn trà, thần khúc và ngưu tất.
Với liều lượng thích hợp, các vị thuốc trên khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành hỗn hợp mang tính bình, giúp cho việc tăng cường hoạt tính của các men tiêu hóa và quá trình trao đổi chất trong ruột non, làm giảm hoạt tính của các vi khuẩn gây thối ở ruột già; do đó, có thể làm giảm mùi hôi của phân, nước tiểu của người và gia súc. Các vị thuốc trên chứa chất saponine có tác dụng hấp thụ khí độc amoniac (NH3) và hydrosunfua (H2S) có trong đường tiêu hóa của người và gia súc.
Với ý tưởng nghiên cứu, chế biến chế phẩm có nguồn gốc thảo dược làm giảm thiểu mùi hôi của chất thải chăn nuôi mà không cần xử lý, nhóm tác giả Phạm Sỹ Tiệp, Nguyễn Văn Lục, Đặng Hoàng Biên, Vũ Hồng Chương, Trần Nho Thanh và Nguyễn Thị Huyền (Viện Chăn nuôi và hiệu thuốc 26 Lãn Ông, Hà Nội) đã bắt tay vào nghiên cứu và điều chế thành công chế phẩm CP2.
Trong 3 công thức phối trộn, các tác giả đã chọn công thức tạo được sản phẩm CP2 cho hiệu quả tốt nhất như sau: Mạch nha (25%), sơn trà (15%), thần khúc (20%), sử quân (5%), xa tiền (5%), ngưu tất (30%).
Sử dụng chế phẩm CP2 với liều lượng 1.000g CP2/1 tấn thức ăn hỗn hợp cho nuôi lợn thịt sẽ cho khối lượng tăng trọng/ngày cao hơn đối chứng là 4,42%, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp hơn 9,58%; chi phí thức ăn/kg tăng trọng giảm 7,89%. Đối với chăn nuôi lợn nái nuôi con, sử dụng CP2 với liều lượng như trên cho kết quả rất khả quan.
Sử dụng chế phẩm CP2 đã góp phần làm giảm đáng kể mùi hôi của chuồng nuôi lợn; ở chuồng nuôi lợn thịt, hàm lượng NH3 giảm 41,30% và hàm lượng H2S giảm 44,44% so với lô đối chứng. Ở chuồng nuôi lợn nái sinh sản, NH3 giảm 45,26%, H2S giảm 43,90% so với lô đối chứng.
Hướng nghiên cứu sử dụng thức ăn chăn nuôi thân thiện với môi trường, giảm thiểu sự phát thải các khí độc hại mà vẫn đảm bảo hiệu quả chăn nuôi này cần tiếp tục được khuyến khích nghiên cứu sâu hơn. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất đại trà để góp phần tích cực xây dựng một nền chăn nuôi “sạch” và phát triển bền vững.
Tìm kiếm bài viết qua từ khóa :
- xử lý chất thải chăn nuôi bằng hỗn hợp đông y
- xử lý chất thải chăn nuôi băng đệm lót sinh học
0 nhận xét:
Đăng nhận xét