Báo cáo ĐTM chưa thực hiện tốt chức năng dự báo
ĐTM về bản chất là công cụ phân tích, dự báo các tác động môi trường của các đề xuất phát triển nhằm phục vụ cho quá trình ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nói cách khác, mục tiêu của báo cáo đánh giá tác động môi trường là xem xét các tác động đối với môi trường trước khi quyết định có nên cho phép triển khai một dự án do nhà đầu tư đề xuất hay không, hoặc nếu cho phép thì cần điều chỉnh gì. Do đó, ĐTM cần phải thực hiện ngay từ giai đoạn đầu tiên hình thành ý tưởng về dự án. Tuy nhiên, thực tế áp dụng hiện nay ở Việt Nam cho thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa thực hiện tốt chức năng dự báo của nó.
Cụ thể, Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BVMT 2005 và Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 sửa đổi, bổ sung Nghị định 80/2006/NĐ-CP đều không quy định thời điểm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ quy định thời điểm thẩm định là trước khi cấp giấy phép hoặc khởi công dự án (khoản 5 Điều 1 Nghị định 21/2008/NĐ-CP). Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định 29/2011) thay thế đã có quy định về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường “phải được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư ” (khoản 1 Điều 13). Rõ ràng, căn cứ theo các quy định về lập, thẩm định và phê duyệt dự án thì quá trình này được thực hiện sau khi xin chủ trương, thỏa thuận địa điểm thực hiện dự án và ý kiến quy hoạch.
Đây là quy trình ngược vì ý nghĩa và tác dụng lớn nhất của ĐTM đối với việc lựa chọn địa điểm của dự án đã bị triệt tiêu. Với quy trình này, báo cáo ĐTM thường ở tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, nhất là khi đề xuất dự án đã được đưa vào trong quy hoạch phát triển của ngành và địa phương.
Chất lượng của báo cáo ĐTM còn nhiều hạn chế
Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ yếu do các cơ quan tư vấn thực hiện thông qua hợp đồng ký với chủ đầu tư. Mối quan hệ hợp đồng kinh tế giữa người yêu cầu và người cung cấp dịch vụ trong việc lập báo cáo ĐTM dẫn đến việc cơ quan tư vấn khó có thể đảm bảo tính khách quan trong phản ánh và đánh giá trung thực toàn bộ các tác động tiêu cực tiềm tàng của dự án. Qua phản ánh của báo chí cũng như một số nghiên cứu gần đây, nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là “sản phẩm cắt dán” từ báo cáo của các dự án khác cùng loại hình. Chất lượng của báo cáo ĐTM vì thế chưa đạt yêu cầu và mất đi vị thế là “chỗ dựa” cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ra quyết định đối với dự án.
Ngoài ra, quy định về chi phí lập báo cáo ĐTM hiện nay không rõ ràng, chủ yếu theo thỏa thuận của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư. Tham khảo ở một số nước như Tây Ban Nha mức chi phí này trung bình là 2,5% tổng vốn đầu tư, ở Nauy là từ 0,1-2,2% hay Iceland là từ 0,5-3% tổng vốn đầu tư của dự án (Oosterhuis, 2007). Việt Nam cũng cần nghiên cứu và đưa ra các quy định cụ thể về chi phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tình hình thực tiễn.
Chất lượng thẩm định báo cáo ĐTM bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2011, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM gồm Bộ TN&MT; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Cụ thể hơn, theo Phụ lục III, Nghị định 29/2011, Bộ TN&MT tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số loại hình dự án nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các bộ ngành khác thẩm định dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình. UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương. Việc phân cấp thẩm định như vậy dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi các ngành, địa phương được thẩm định báo cáo ĐTM của dự án do chính mình phê duyệt (khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2011). Đặc biệt nếu các dự án phát triển này đã được đưa vào chủ trương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương hoặc được xem là “quyết tâm chính trị” thì cơ quan tham mưu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khó có thể không đồng tình.
Ngoài ra, các địa phương thường gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập hội đồng thẩm định do thiếu các chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực, nhất là đối với các dự án có tác động phức tạp và cần chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau.
Thời hạn phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định các báo cáo ĐTM. Dưới áp lực của việc cải cách các thủ tục hành chính, thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định là 45 ngày và tối đa là 60 ngày làm việc đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT và 30 ngày, không quá 45 ngày đối với dự án không thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT (Điều 20 Nghị định 29/2011). Mặt khác, mặc dù pháp luật cho phép Hội đồng thẩm định có thể thuê các chuyên gia, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp phản biện các nội dung trong báo cáo trong trường hợp cần thiết (khoản 4 Điều 18 Nghị định 29/2011), nhưng với giới hạn về thời gian như trên khiến quy định này trở nên khó khả thi trong thực tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét