Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt được chi tiền ti xây dựng rồi để phí

Vừa qua tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Mặc dù đã chi tiền tỉ để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng rồi bị để đó và không được sử dụng.

Xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng) là xã đa nghề, đất chật, người đông, nhân dân có thói quen chăn nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường nên nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường khá bức xúc. Chính vì lý do này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng hai hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đây, hy vọng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường của toàn xã. Kỳ vọng là vậy, nhưng khi vận hành hoạt động thì hai công trình này lại trở thành gánh nặng của cán bộ và nhân dân địa phương.


Trạm xử lý nước thải đặt tại xóm 13 của xã Nhật Tân được khởi công xây dựng từ tháng 6 và đi vào hoạt động từ tháng 12-2010 với tổng vốn đầu tư hơn ba tỷ đồng. Từ đó đến nay, số lần trạm hoạt động có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Quang Tài, người được giao trách nhiệm trông coi và vận hành cả hai trạm máy của xã cho biết: Theo tính toán thì trạm này có nhiệm vụ xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải trong chăn nuôi cho hơn 1.000 hộ dân trong xóm 10, 11, 12 và một phần của xóm 13 với công suất từ 160 - 200 m³/ngày đêm.


Nhưng đó chỉ là thiết kế và quy hoạch khi lập dự án, chứ thực tế khi đi vào vận hành thì lại chẳng ăn nhập gì. Trực tiếp dẫn chúng tôi khảo sát hệ thống  xử lý nước thải sinh hoạt xóm 13, ông Tài đã chỉ cho chúng tôi thấy: Nước thải sau khi xử lý sẽ chảy ra chiếc ao nằm ngay cạnh trạm. Điều đáng nói là chiếc ao này không hề có lối thoát ra các kênh mương, thậm chí nó còn nằm cao hơn so vị trí xây dựng trạm, nên vào những ngày trời mưa, hoặc khi nước được xử lý làm sạch nhiều quá sẽ chảy ngược trở lại vào trạm. Như vậy có nghĩa là nước thải được đưa vào lọc sạch rồi lại chảy ra cái ao chứa nước bẩn…


Chính quyền xã, nhân dân ở đây đều biết vấn đề của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nhưng tất cả đều “lực bất tòng tâm” và đổ lỗi cho thiết kế. Quan trọng hơn là địa phương khó khăn về kinh phí nên không thể sửa chữa cũng như khơi thông dòng chảy. Còn một nguyên nhân “chính đáng” nữa để trạm xử lý nước thải không hoạt động là không có kinh phí để duy tu, sửa chữa máy móc và trả tiền điện. Bởi chỉ cần vận hành máy theo một phần hai công suất thiết kế thì số tiền điện mà xã phải bỏ ra để chi trả cũng lên đến năm, bảy triệu đồng. Số tiền này cũng không thể vận động nhân dân đóng góp được, vì ai cũng nhìn thấy hiệu quả ngược của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt xóm 9 Nhật Tân.


Tương tự tại xã Nhật Tân, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) cũng đã không hoạt động nhiều năm nay. Đây là công trình do Tổng cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đầu tư xây dựng từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ đồng để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn tại thôn 1 của xã Ngọc Lũ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Ngọc Lũ: Sau khi bàn giao lại công trình cho xã, thì trạm lại trở thành gánh nặng đối với chính quyền nơi đây bởi không biết xoay xở thế nào để tìm được nguồn kinh phí lên đến 30 triệu đồng/tháng cho máy vận hành. Qua một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, trạm xử lý nước thải sinh hoạt này đã bị hỏng, vỡ đoạn mương thu gom chất thải và xã cũng không có kinh phí để sửa chữa, nên đành phải để máy “nghỉ ngơi” mà không thể hoạt động.

Đây chỉ là hai trong số ba trạm xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Nam rơi vào tình trạng không thể hoạt động. Với số vốn đầu tư xây dựng lên đến hàng tỷ đồng mỗi trạm, sau đó lại để không, mỗi tháng chính quyền địa phương vẫn phải trích từ nguồn ngân sách vốn đã ít ỏi để trả công người trông coi trạm và tiền điện để chạy bảo dưỡng máy. Với hai công trình nêu trên, có thể thấy một điểm chung, đó chính là nguồn kinh phí để các trạm xử lý nước thải sinh hoạt duy trì hoạt động…

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên & Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nam, đặc biệt là tại các vùng nông thôn đã đến mức báo động, thì đây quả thật là một sự lãng phí rất lớn. Để bảo vệ môi trường thì giải pháp xây dựng các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung là một giải pháp đúng đắn.

Tuy nhiên, vấn đề thiết kế, duy trì hoạt động của các nhà máy, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt này lại đang là một bài toán khó đối với nhiều địa phương. Do vậy, trước khi quyết định đầu tư xây dựng những trạm xử lý nước thải, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần phải tính toán kỹ, có phương án phù hợp để duy trì hiệu quả hoạt động của các trạm xử lý nước thải.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét