Sông Đồng Nai kêu cứu: Mối họa nguồn nước
Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) và đổ vào sông Sài Gòn để ra biển Đông, sông Đồng Nai đang “lở loét”, ô nhiễm nghiêm trọng và cạn dòng vì các công trình xây dựng, dịch vụ xung quanh.
Những dòng suối ô nhiễm như thế này ở Lâm Đồng đang đe dọa sông Đồng Nai Ảnh
Sông Đồng Nai đang chịu nhiều sức ép nặng nề đối với môi trường nước, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, công nghiệp...
Lâm Đồng là nơi đầu nguồn của 2 hệ thống sông suối chính: sông Krông Nô (một chi lưu của sông Srêpok - Mê Kông) và sông Đồng Nai - La Ngà có diện tích lưu vực 8.524 km2, gồm các sông Đa Dâng, Đa Nhim, Đại Nga, Đạ Huoai và một số phụ lưu phía tả ngạn sông Đồng Nai Thượng, chảy về vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí này, Lâm Đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước đối với hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Krông Nô.
“Gánh” hàng trăm ngàn tấn phân bón, hóa chất
Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của kinh tế đã tạo ra nhiều sức ép nặng đối với môi trường nước ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai này, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp... gây ô nhiễm cục bộ tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có rất nhiều công trình thủy điện như Đa Nhim; Đại Ninh; Đồng Nai 2, 3, 4, 5... và nhiều công trình khai thác cát cũng tác động mạnh đến nguồn nước trên lưu vực.
Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết hằng năm, địa phương đã sử dụng hơn 500.000 tấn phân bón, 3.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật... và dư lượng các hóa chất này đều đổ vào các hồ chứa, sông suối. Theo dòng chảy, tất cả những mối nguy hại trên sẽ đổ ra sông Đồng Nai. Do đó, nếu không sớm giải quyết các mối họa gây ô nhiễm sông Đồng Nai thì chính TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương là 3 địa phương gánh chịu những hậu quả, nghiêm trọng, nặng nề nhất.
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp sản xuất có phát sinh nước thải ra sông Đồng Nai chủ yếu thuộc địa bàn TP Bảo Lộc (một số nhà máy dệt nhuộm); huyện Đức Trọng, Lâm Hà (chế biến cà phê); huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (khai thác cát) đã và đang âm thầm “giết” sông Đồng Nai từng ngày.
Hàng triệu người bị ảnh hưởng
Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân sinh sống khu vực trong vùng. Tuy nhiên, sức ép các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng lớn, khiến nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng. Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, hiện nay có hơn 1.000 cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước thải với lưu lượng xả ra lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên 50 m3/ngày đêm.
Trước thực trạng trên, cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” và thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vào năm 2008.
Theo đánh giá của ủy ban này, mặc dù trong thời gian qua, các địa phương trong lưu vực đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến quá nhanh và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong lưu vực. Một số điểm nóng như kênh Ba Bò, Thầy Cai, tiến độ khắc phục vẫn còn chậm, chất lượng nước sông Thị Vải tuy được cải thiện nhưng tốc độ đã chững lại và có dấu hiệu xấu đi đáng lo ngại ...
Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết thêm hiện nay, trên sông và hệ thống kênh rạch thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang có tình trạng lục bình sinh sôi phát triển dày đặc, cùng với cỏ dại và rác thải tích tụ qua nhiều năm gây tắc nghẽn dòng chảy, cản trở hoạt động giao thông thủy và khả năng tiêu thoát nước, tác động tiêu cực đến chất lượng nước sông rõ rệt. Mặc dù trong thời gian qua, một số tỉnh, thành đã tiến hành nhiều dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy, tổ chức thu gom, xử lý lục bình, cỏ dại, rác thải nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, chưa bền vững.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét