Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Tây Nguyên đối mặt với hạn hán


Tây Nguyên có nguy cơ đối mặt với cơn “đại hạn” khốc liệt nhất trong hàng chục năm qua, đây là hệ quả của biến đổi khí hậu gây ra. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm và lượng mưa ít khiến lượng nước tại các hồ chứa, sông suối tại Tây Nguyên sụt giảm nghiêm trọng.



Sông hồ “khát” nước
Hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục và kéo dài đến hết vụ Đông Xuân 2015 - 2016 là dự báo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại hội nghị trực tuyến tổ chức tại Hà Nội. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ nay đến tháng 2/2016, lưu lượng dòng chảy trên các sông suối ở Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm. Do vậy, tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra từ các tháng cuối năm nay.

Tính đến hết tháng 10/2015, lượng mưa trong năm chỉ đạt từ 65 - 75% so với trung bình nhiều năm là kết quả thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông. Tiêu biểu như: huyện Cư Jút chỉ đạt 62,1%, huyện Đắk Song chỉ đạt 51,7%, huyện Đắk Mil đạt 76,7%, thị xã Gia Nghĩa đạt 73,9%... Lượng mưa ít đã làm cho mực nước tại các hồ chứa, sông suối tại tỉnh giảm từ 20 - 40% so với mọi năm, hiện phần lớn các hồ chứa vùng phía Bắc và Đông Bắc tỉnh thuộc các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô đều có mực nước thấp hơn so với ngưỡng tràn từ 3 - 6m.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thuỷ lợi Đắk Lắk -  ông Trần Hoan cho biết: hiện các hồ vừa và nhỏ cơ bản đã tích đầy nước, riêng các hồ lớn chỉ tích được từ 40 - 70% dung tích thiết kế. Hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cung cấp nước tưới cho khoảng 600ha lúa và 1.000ha cà phê trên địa bàn nhưng hiện đang thiếu khoảng 3 triệu m3 nước, chỉ đáp ứng khoảng 2/3 diện tích cần cấp nước. Còn hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết, huyện Lắk) vốn cung cấp nước tưới cho hơn 2.000ha (chủ yếu là lúa) nhưng chỉ chứa được hơn 50%, thiếu khoảng 12 triệu m3 nước và hiện chỉ có khả năng phục vụ nước tưới cho khoảng 500ha. “Trong tổng số 432 hồ chứa công ty đang quản lý thì chỉ có 181 hồ chứa đủ nước, 193 hồ có chứa từ 50 - 80% dung tích trữ, 46 hồ chỉ đạt dưới 50% và 12 hồ ở mực nước chết” - ông Hoan cho hay.

Kết quả kiểm tra của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kon Tum cũng cho thấy 15 hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn mực nước đều đang ở mức thấp. Các hồ lớn như Đắk Chà Mòn (xã Đắk BLà, TP. Kon Tum), hồ Ia Ban Thượng (xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) hồ Đắk Yên, Đắk Ui (huyện Đắk Hà)… thiếu khoảng 1m nước. Tại Gia Lai một số hồ lớn như Ia Mlá (huyện Krông Pa) hụt gần 5m nước, hồ Hà Ra Nam (Mang Yang) thiếu 3,38m nước… so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ hạn trên diện rộng



Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 61.467 ha cây trồng bị hạn (trong đó có 4.374ha mất trắng) trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 vừa qua. Ngoài số diện tích trên, toàn tỉnh còn có gần 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do giếng đào khô cạn, ước tính tổng thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng. Tình trạng khô hạn cũng diễn biến trên diện rộng tại Tây Nguyên, gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng tại Đắk Nông và hàng trăm tỷ đồng tại Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Để đối mặt với mùa khô được đánh giá là khốc liệt nhất trong vòng 60 năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh khác ở Tây Nguyên đã chủ động rà soát, đánh giá để có kế hoạch gieo trồng hợp lý và chuẩn bị phương án chống hạn ngay từ thời điểm này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cho biết hiện các địa phương đã báo cáo kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông xuân 2015 - 2016 nhưng các sở phải tiến hành rà soát lại để có kế hoạch gieo trồng phù hợp. Tại những vùng bấp bênh về nguồn nước và thường xuyên xảy ra khô hạn trong những năm gần đây, các Sở ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nên chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức nạo vét kênh mương…

Về lâu dài, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đã lên phương án tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng công trình thuỷ lợi để quy hoạch phát triển, quản lý, khai thác tài nguyên đất, nước phù hợp với bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững; đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi trọng điểm, tăng mở rộng và kiên cố hoá hệ thống kênh mương; tăng cường trồng rừng đầu nguồn… Nhưng theo ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các phương án, kế hoạch phòng chống hạn những năm gần đây rất được quan tâm nhưng chưa mang lại kết quả mong muốn. Do thiếu kinh phí, việc triển khai các phương án chống hạn được phê duyệt, nhất là đầu tư cho các công trình thuỷ lợi vẫn hết sức ì ạch và bị động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét