Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Hiện trạng xử lý nước thải, chất thải y tế, bệnh viện ở Đồng Nai

Nước thải bệnh viện nếu không được xử lý đúng cách và xả thải ra môi trường khi chưa đạt tiêu chuẩn gây nguy hại cực kỳ nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người, là tác nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa và có có khả năng lây lan bệnh dịch theo lời ông Lê Huy Thạch , đại diện viện vệ sinh y tế công cộng Tp Hồ Chí Minh - thành viên đoàn thanh tra bộ y tế trong chuyến giám sát kiểm tra xử lý chất thải y tế Đồng Nai cho hay.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, tổng lượng nước thải của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hơn 5.000 m3/ngày, trong đó 70% lượng thải từ khối nước thải bệnh viện.

* “Ngại” xử lý vì tốn kém

Hiện các bệnh viện, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đều có hệ thống xử lý nước thải bệnh viện với tổng công suất thiết kế là 5.466 m3/ngày, tuy nhiên phần lớn nước thải cuối nguồn của các cơ sở y tế không đạt tiêu chuẩn vì hiện 90% hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tại các cơ sở y tế đã xuống cấp, công suất xử lý quá tải. Ngay cả chất lượng nước thải của những hệ thống xử lý mới được xây dựng và nâng cấp cũng chưa đạt. Thậm chí có bệnh viện, dù có hệ thống xử lý nước thải y tế nhưng “quên” hoạt động vì ngại tốn kém.

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện đa khoa Trảng Bom đã ngưng hoạt động từ 3 năm nay.


Mới đây, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã về kiểm tra hoạt động xử lý chất thải y tế tại Đồng Nai. Qua kiểm tra thực tế tại một số bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, đoàn cho rằng hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện rất trì trệ. Ngay cả ở những bệnh viện lớn của tỉnh, nước thải bệnh viện sau xử lý cũng chưa đạt. Thậm chí, hai bệnh viện hạng 1 của tỉnh cũng nằm trong danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN


Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thừa nhận: “Hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đang quá tải. Công suất thiết kế ban đầu là 170 m3/ngày, nhưng lượng nước thải thực tế hiện nay đã gấp đôi. Để hạn chế lượng nước thải cũng như độ độc hại của nước thải, bệnh viện đã phải thay công nghệ tráng phim X-quang, CT bằng hóa chất nước sang công nghệ tráng khô khá tốn kém. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Lâu dài, bệnh viện vẫn cần một hệ thống xử lý nước thải y tế mới với công suất 500 m3/ngày. Mới đây, dự án này đã được Sở Y tế đầu tư với tổng vốn 17 tỷ đồng”. Còn tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hệ thống xử lý nước thải trước đây công suất cũng chỉ 200 m3/ngày, trong khi thực tế đang “gánh” công suất đến 300-400 m3/ngày. Trong khi chờ chuyển sang bệnh viện mới vào năm 2015, thì việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải bệnh viện vẫn đang được triển khai.
Với tính chất độc hại, nước thải bệnh viện có sự lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ các khoa phòng, bệnh viện lây nhiễm. Nếu nước thải này được xả thải vào nguồn nước chung mà không qua xử lý, sẽ tạo nguy cơ lan truyền dịch bệnh và người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc mầm bệnh phát sinh từ việc tiếp xúc với nước thải y tế không được xử lý đạt.


Còn những bệnh viện đa khoa khu vực và đa khoa tuyến huyện, nhiều nơi nước thải y tế được thải tự do ra môi trường, không qua xử lý. Bệnh viện đa khoa Trảng Bom dù đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện công suất 50 m3/ngày được xây dựng từ năm 2000 và nằm riêng một góc bệnh viện, không liên quan đến khu vực xây mới, nhưng cũng 3 năm nay, hệ thống đã ngưng hoạt động. Nước thải của bệnh viện chưa qua xử lý được xả thải thẳng ra môi trường cho tự thấm. Vào mùa mưa, nước thải bệnh viện hòa cùng nước mưa chảy tràn ra môi trường, xuống các cống rãnh và đi vào hệ thống sông, suối trên địa bàn. Cũng ở bệnh viện này, lượng nước thải nguy hại từ khu vực xét nghiệm, nước từ khâu tráng rọi phim X-quang cũng không được khử độc bằng hóa chất hay qua hệ thống lắng lọc mà cứ thế được thải ra môi trường. Theo giải thích của giám đốc bệnh viện, vì bệnh viện đang trong giai đoạn xây dựng nên mới... tạm ngưng xử lý.

Ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa, gần 10 năm nay, dù hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư và đi vào hoạt động nhưng công suất hoạt động vẫn đang quá tải so với thiết kế.

Riêng các trạm y tế xã và các cơ sở y tế tư nhân, lượng nước thải khoảng 200 m3/ngày gần như không có được mấy nơi có hệ thống xử lý nước thải bệnh viện. Một số ít phòng khám đa khoa tư nhân mới đi vào hoạt động cũng có lắp đặt hệ thống xử lý nước thải nhưng chủ yếu là để đối phó với các đoàn kiểm tra chứ ít khi máy hoạt động!

* Bất cập và thiếu chế tài

Một trong những bất cập hiện nay của tình trạng nước thải không đạt chuẩn là do trước đây, các hệ thống xử lý nước thải bệnh viện được phép thải ra đạt loại B theo TCVN-1995. Nhưng đến năm 2002, Bộ Tài nguyên - môi trường quy định nước thải y tế đổ ra sông, kênh rạch phải đạt chuẩn loại A. Việc này khiến nước thải của nhiều bệnh viện không đạt yêu cầu. Trong khi đó, nâng cấp để nước thải từ loại B lên A là rất khó khăn và tốn kém.
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành đang đầu tư mở rộng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện


Một bất cập khác, xử phạt các vi phạm trong xả thải ở các bệnh viện cũng rất khó. Ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy phần lớn nước thải của các cơ sở y tế không đạt tiêu chuẩn. Nhưng việc xử phạt đối với những cơ sở đặc thù như bệnh viện là rất khó. Thông thường những doanh nghiệp vi phạm xả thải đầu tiên sẽ bị cảnh cáo, nhắc nhở và xử phạt. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị buộc hạn chế lượng xả thải, cao hơn là buộc ngưng xả thải và cuối cùng là đóng cửa nhà máy... Nhưng đối với các bệnh viện, nhất là hệ thống bệnh viện công lại không thể buộc hạn chế xả thải, đình chỉ xả thải hay đóng cửa bệnh viện, vì mỗi ngày có hàng ngàn người dân đau ốm cần nơi khám chữa bệnh. Ngay cả xử phạt hành chính, các bệnh viện có nộp phạt thì cũng là tiền của Nhà nước cả, có khác là chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia mà thôi”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét