Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Ngừng hoạt động các cơ sở y tế không có hệ thống xử lý nước thải

Mặc dù đặt mục tiêu trong năm 2012 tất cả các cơ sở y tế như phòng khám, bệnh viện,... trên địa bàn Tp phải có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt tiêu chuẩn khi vận hành, đề ra mục tiêu như vậy và mặc dù đã rất quyết tâm nhưng đến nay còn tồn đọng rất nhiều phòng khám, bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế trong khi thời hạn đã qua lâu.


Dự án xử lý nước thải y tế của BV Từ Dũ TPHCM vẫn còn ngổn ngang 



Nơi ì ạch, nơi chờ phê đấu thầu

Nằm đối diện ngay khu khám bệnh dịch vụ, khuôn viên xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế của BV Từ Dũ TPHCM vẫn còn khá bừa bộn. Sau những cơn mưa vừa qua, cả một bãi sình lầy cùng gạch cát lổn nhổn vương ra cả lối đi vốn đã nhỏ hẹp dành cho người bệnh. Một anh công nhân cho biết dự án sắp xong rồi, độ đôi ba tháng nữa thôi. Nhìn tấm bảng thông báo dán ngay bờ rào, chúng tôi thấy ghi: “Từ ngày 1-7-2011 đến 31-12-2011, BV Từ Dũ xây dựng khu xử lý nước thải, công tác thi công ảnh hưởng đến việc đi lại, kính mong bệnh nhân thông cảm”.

Từ thông báo này mà suy ra là hệ thống xử lý nước thải bệnh viện Từ Dũ có thể hoàn thành vào cuối năm 2011, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn ngổn ngang. Cách đó không xa, một tấm bảng khác thông báo dự án thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị hệ thống thu gom và xử lý nước thải BV Từ Dũ công suất 1.500m3/ngày đêm. Trao đổi với phóng viên, BS Lưu Thế Duyên, Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho biết khoảng một tháng nữa HTXLNT của BV sẽ hoạt động.

Tuy nhiên, dù gì dự án trên cũng đã chậm trễ so với yêu cầu đạt ra trước quy mô khám và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi ngày… Trong khi đó, có tới 6 BV tuyến thành phố khác đến nay vẫn đang trong quá trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thực hiện các bước thẩm tra dự toán và thiết kế kỹ thuật. Đó là BV Cấp cứu Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 2, BV Bình Dân, BV Tâm Thần và BV Y học Cổ truyền.

Theo Sở Y tế TPHCM, sớm lắm thì cũng phải qua tháng 7 tới các BV trên mới tổ chức đấu thầu theo quy định và tiếp theo mới xúc tiến khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế. Không những BV thành phố, mà nhiều BV quận huyện cũng đang ì ạch chuẩn bị hồ sơ lên dự án xây dựng HTXLNT. Chẳng hạn, từ trước đến nay, nơi xử lý nước thải y tế của BV quận 2 là một cái bể đã không vận hành từ lâu, cỏ mọc um tùm. Cách nay hơn 1 tháng, BV quận 2 mới tiến hành khảo sát thực địa để làm HTXLNT. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, nói sắp mở rộng BV, bệnh nhân đang ngày càng đông lên nhưng cũng vài ba tháng nữa mới xây dựng khu xử lý nước thải.


Kiên quyết... đóng cửa

Trước áp lực Nghị quyết của HĐND TP và chỉ đạo của UBND TPHCM về công tác xử lý nước thải y tế, ngày 7-6 vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo cho rằng vẫn còn nhiều BV công lập và ngoài công lập từ trực thuộc Trung ương đến trạm y tế, phòng khám đa khoa và chuyên khoa chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải y tế. Sở Y tế cho biết trong số 21 BV thuộc khối Trung ương thì chỉ có 11 BV thực hiện xử lý nước thải y tế đạt chuẩn, 6 BV xử lý không đạt, 4 BV chưa đầu tư HTXLNT gồm Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng (Bộ Lao động Thương binh và xã hội), BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng bưu điện II và BV Bưu điện II (Tập đoàn Bưu chính viễn thông), BV Giao thông vận tải 8 (Bộ Giao thông vận tải).

“UBNB TP đã có công văn gửi cho các cơ quan chủ quản của các BV Trung ương đề nghị bảo đảm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, ưu tiên vốn đầu tư HTXLNT y tế đạt chuẩn rồi” - ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết. Trong khi, 31 BV trực thuộc Sở Y tế TPHCM thì cũng mới chỉ 20 BV có HTXLNT y tế đạt chuẩn môi trường, còn lại là không đạt chuẩn hoặc chưa đầu tư. Riêng 322 trạm y tế phường xã, hiện đã có 157 trạm được lắp đặt HTXLNT với công suất 2m³/ngày đêm và theo Sở Y tế TPHCM thì trong tháng 6 này sẽ hoàn tất HTXLNT ở các trạm còn lại.

Tuy nhiên, vấn đề được các cơ quan quản lý là Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đau đầu hiện nay là gần như 100% trong số 285 phòng khám đa khoa và chuyên khoa của khối tư nhân không có hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy định. Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ phòng khám than thở là bệnh nhân ít, trong khi đầu tư HTXLNT tốn kém. Nhưng về mặt quản lý, Sở Y tế TPHCM cho rằng nguy cơ lây truyền dịch bệnh, hóa chất từ các phòng khám khi xả thẳng nước thải ra môi trường mà không qua xử lý cũng không phải ít. Vì vậy, bắt buộc có hệ thống xử lý nước thải y tế là cần thiết.



Theo ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, không chỉ phòng khám tư nhân mà căn cứ Công văn số 1882/UBND-VX của UBND TPHCM ngày 26-4-2012, sẽ kiên quyết xử lý cả các BV không có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, từ tháng 6 này, Tổ công tác liên ngành (gồm Sở Y tế, Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Cảnh sát Môi trường PC49 - Công an TP) tổng kiểm tra các cơ sở y tế tại thành phố, nếu các cơ sở y tế nào chưa thực hiện xong HTXLNT y tế thì nhắc nhở triển khai đầu tư xây dựng theo đúng quy chuẩn. “Đến tháng 9- 2012 sẽ kiểm tra lại, nếu cơ sở y tế nào không có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn thì buộc tạm đình chỉ hoạt động, khi nào có đầy đủ HTXLNT y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường - QCVN28:2010/BTNMT, thì mới được tiếp tục cho phép hoạt động lại” - Phó Giám đốc Huỳnh Văn Biết khẳng định.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét