Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Vĩnh Long - vui mừng vì có nước sạch.



Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long các xã thực hiện tiêu chí 17 về môi trường – nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, để đạt được như thế thì xã đã tăng cường đầu tư thi công các công trình mở rộng hệ thống cấp nước tập trung.
Dự kiến đến cuối tháng 6/2015, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,4%, tăng 2,4% so với cuối năm 2014; tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt tỷ lệ 90% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch; trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 55,2%. Nnăm 2015, tỉnh Vĩnh Long có 60% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ trạm cấp nước tập trung, tăng 10% so với năm 2014.
Ảnh minh họa
Vĩnh Long lắp đặt 7.000 đồng hồ nước phục vụ cho các hộ dân cư nông thôn sống phân tán, bố trí vốn 72 tỷ đồng cho chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn để nâng cấp mở rộng 14 tuyến ống trạm cấp nước, ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống cấp nước cho những vùng có mật độ dân số cao, chuyển dần những công trình cấp nước đơn lẻ, phục vụ có hiệu quả các cụm, tuyến dân cư từ 300-500 hộ.

Song song đó Vĩnh Long bố trí 43,4 tỷ đồng đầu tư cho 22 dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn. Đến nay các chủ đầu tư đã giải ngân trên 12,7 tỷ đồng đẩy nhanh tiến độ thi công tập trung cho các công trình mở rộng tuyến ống trạm cấp nước tại các xã nông thôn mới: Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), Hòa Phú (huyện Long Hồ), Hòa Bình (huyện Trà Ôn) và Chánh Hội (huyện Mang Thít).


Thi công hệ thống cấp nước tập trung xã Tân phú (huyện Tam Bình) từ nguồn vốn ngân sách 5 tỷ đồng do UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ mở rộng tuyến ống trạm cấp nước xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm), Hựu Thành và Tích Thiện (huyện Trà Ôn) với tổng kinh phí đầu tư 8,7 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Sống chung với hiểm họa nổ mìn


Trên địa bàn thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) với trên 700 hộ dân đang phải hàng ngày sống chung với tiếng mìn nổ và khói bụi rất ô nhiễm, từ phía những núi đá cách nhà dân chỉ chừng khoảng 200 m.

Chung sống với tiếng mìn!



Thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, Ứng Hòa (Hà Nội) giáp với thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn, Kim Bảng (Hà Nam). Hai bên được ngăn cách tự nhiên bằng dãy núi Hàm Long, dãy núi Cầu Men và sông Đáy. Vì thôn Hữu Vĩnh rất gần các núi đá, mà nơi đây lại có công trường khai thác đá, nên những tiếng mìn trên núi đá Hàm Long và Cầu Men (thuộc địa phận Hà Nam) thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân xã Hồng Quang (Hà Nội).




Tại gia đình ông Lê Công Trí, một cựu binh 68 tuổi, ở xóm 4, thôn Hữu Vĩnh cho biết: Căn nhà của ông được xây năm 2006, nhưng từ khi có công trường phá đá kia, tiếng nổ và rung động đã làm cho nó đầy những vết nứt chằng chịt, những mảng tường long tróc tứ tung. Hàng ngày, cả gia đình trú ngụ dưới mái nhà “thương tích đầy mình” này mà không khỏi nơm nớp lo sợ trước mối nguy hiểm rình rập, không biết có thể đổ sập lúc nào. Có buổi trưa, cả nhà đang ngồi ăn cơm, thì bát đũa nảy bắn lung tung, sau một tiếng nổ to như “bom tấn” từ dãy Hàm Long gần đó, làm cho cả nhà vô cùng hoảng loạn…



Cùng với đó là gia đình anh Lê Văn Minh ở xóm 4, căn nhà 2 tầng mà vợ chồng anh xây năm 2005 trông khá khang trang, nay bị “tàn phá” gần như hoàn toàn. Những mảng vữa từ trần nhà bong tróc loang lổ, dầm chịu lực đứt gãy, phòng ngủ của vợ chồng anh cũng nứt ngang, nứt dọc. Chị Phương, vợ anh Minh còn cho biết: Có buổi trưa, 3 đứa con nhà chị đang ngủ bỗng thất thần khóc ré lên sau hàng loạt tiếng nổ kinh hoàng. Chị đang tính mùa vụ xong xuôi, vợ chồng sẽ đưa các cháu lên Hà Nội khám bệnh, vì hiện nay, các cháu có biểu hiện khóc quấy dai dẳng do thường xuyên bị giật mình bởi tiếng mìn.



Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở xóm 3 cũng là nạn nhân của những trận “bom tấn”. Bà Nguyễn Thị Hoàn, vợ ông Tuấn cho biết: “Chồng tôi bị tàn tật, suốt ngày ngồi xe lăn. Hai vợ chồng lấy mấy sào ruộng để nuôi con. Tháng 8 năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của làng xã, sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, vợ chồng tôi đã xây được căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ, nay bị mìn tàn phá, hư hại nứt nẻ, nhìn xót quá!…”. Chúng tôi quan sát, hiện căn nhà của họ đã có biểu hiện xuống cấp, sụt lún, nứt nẻ trơ dầm bê tông, lõi thép. Ông Tuấn cũng cho biết, nơi đây có nhiều hộ khá giả, nhưng không ai dám xây vượt quá 2 tầng, cũng bởi nguy cơ sập nhà luôn hiện hữu.



Được biết, xóm 3 và 4 của thôn Hữu Vĩnh có 750 hộ dân, thì hiện nay, đến trên 90% nhà các hộ này bị nứt nẻ, hư hại, thậm chí có thể sập xuống bất cứ lúc nào, bởi các xóm này khá gần mỏ đá Vĩnh Sơn, nên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mìn nổ hàng ngày vẫn đang tiếp tục hủy hoại nhà cửa của họ, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.



Mìn nổ ảnh hưởng đến di tích 1.500 năm tuổi





Đền Đức Thánh Cả là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia , tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Cầu Men, thuộc địa phận thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang. Ngôi đền có niên đại trên 1.500 năm tuổi, đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1991.



Đền Đức Thánh Cả có giá trị lớn về văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh cũng như giá trị kiến trúc. Nơi đây còn lưu giữ 48 đạo sắc phong quí hiếm từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt, từ năm 1947 đến năm 1953, nơi đây là vùng căn cứ kháng chiến của đồng bằng Bắc bộ. Ủy ban kháng chiến Liên khu III đã đóng ở đây từ 1949 – 1950 để chỉ huy chiến dịch Hà Nam Ninh, đồng thời là điểm quân ta tập kết, xuất quân đánh nhiều trận lớn thắng lợi. Đền Đức Thánh Cả có giá trị lớn về mọi mặt như vậy, song gần 25 năm qua, di tích này thường xuyên là “nạn nhân” của những trận mìn trăm cân cách đó chỉ chừng 200m.




Ông Đào Xuân Dy - Trưởng ban Di tích Đền Đức Thánh Cả cho hay: Đã nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Sơn (tỉnh Hà Nam) dùng những mồi thuốc nổ hàng trăm cân, nổ mìn phá đá sát ngay sau lưng khu Di tích Đức Thách Cả, làm rung chuyển toàn bộ khu vực Đền và cả những khu vực xung quanh, gây hư hại nhiều bảo vật trong khu vực nội cung cũng như nhiều hạng mục khác trong khuôn viên di tích. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết và mìn vẫn nổ gây chấn động mạnh, đang hủy hoại nghiêm trọng di tích hàng ngày, hàng giờ…”.




Ông Dy còn cho biết, năm 2005, di tích đã được Nhà nước hỗ trợ tu bổ hết gần 3 tỷ đồng, song đến nay, đâu lại vào đấy. Tiền của Nhà nước lọt thỏm cả vào những vết nứt.



Vì vậy, có cảnh trớ trêu: Mùa hành lễ, phía dưới chân dãy núi Cầu Men, nơi tọa lạc của Đền Đức Thánh Cả, du khách, phật tử thập phương nối đuôi nhau đổ về tham quan, trảy hội rộn ràng, thì ở phía trên (dãy núi Hàm Long, địa phận Hà Nam) cách đó chỉ khoảng 200m, mìn vẫn uỳnh uỳnh nổ. Tiếng đá lăn rùng rùng từ xa nghe cũng thấy rợn người, bụi đá tung mù mịt gây ô nhiễm bầu không khí xung quanh…



Cái khó nhất ở đây là khu di tích lại nằm ở vị trí giáp ranh hai tỉnh nên sự việc liên quan tới cả hai địa phương, không phân rõ được trách nhiệm về ai để có hướng xử lý triệt để. Và cứ như vậy, tình trạng mìn nổ sát di tích, nứt nẻ nhà dân vẫn tái diễn hàng ngày và kéo dài đã 25 năm nay.



Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan sớm có ngay biện pháp khắc phục tình trạng trên, để cuộc sống người dân được yên tĩnh và an toàn cho di tích quốc gia 1.500 năm tuổi.

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Trà Vinh và mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Nông thôn mới - mục tiêu mà nhiều địa phương đang hướng tới. Với nhiều tiêu chí và các kế hoạch được đưa ra thì vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới được chú trọng hơn hết.

Thu gom rác 

Tại Trà Vinh, dự án cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra (CHOBA) được triển khai từ năm 2012 cho 40 xã thuộc 7 huyện, thành phố, với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng và mục tiêu là 65% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Và hiện tại, toàn tỉnh đã có 9.174 nhà tiêu hợp vệ sinh, phấn đấu đến cuối năm 2015, 2.451 nhà vệ sinh còn lại sẽ được xây xong, hoàn thành chỉ tiêu 11.625 nhà tiêu hợp vệ sinh theo dự án CHOBA.


Ảnh minh họa

Để giúp bà con nhận thức rõ hơn về việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tổ chức tập huấn kỹ thuật xây nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ cho người dân nông thôn.
Ngoài ra, hộ dân nào có nhu cầu vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh sẽ được Ban quản lý dự án phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo hình thức tín chấp. Sau khi xây dựng xong, Ban quản lý dự án sẽ hỗ trợ 560.000 đồng cho mỗi hộ. Tính từ 6/2014 đến nay, có 4.242 hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tiêu cho 203 hộ nghèo…

Ảnh minh họa

Với sự hỗ trợ từ các dự án môi trường cùng với nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hiện tại tỉnh Trà Vinh đã cải thiện đáng kể vệ sinh môi trường trong cộng đồng, giúp người dân vùng sông nước thay đổi dần thói quen sử dụng cầu tiêu trên ao cá, sông rạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Phải thay đổi cây sò đo cam trên quốc lộ 14

Tuyến đường Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hoàn thành việc mở rộng và đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhằm làm cây xanh đô thị trên hai dải phân cách, Ủy ban nhân dân thị xã Gia Nghĩa đã tổ chức trồng gần 1.800 cây sò đo cam .



Đây là loại cây từng được trồng tại một số tỉnh, thành miền Trung Tây nguyên và miền Đông, Tây Nam Bộ. Tuy nhiên sau Thông tư xác định sò đo cam là loại cây ngoại lai gây hại của  Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo dừng việc trồng loại cây này và yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý việc trồng cây sò đo cam trên địa bàn tỉnh.



 * Trồng hàng nghìn cây không phù hợp thổ nhưỡng 



Cây sò đo cam là loại cây sinh trưởng tốt, nhanh, hoa đẹp và bóng mát nhiều. Việc trồng dọc theo Quốc lộ 14 sẽ tạo cảnh quan đẹp và là điểm nhấn cho tuyến đường vốn được xem là đẹp nhất tỉnh Đắk Nông đến thời điểm này.



Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn cây xanh Công Minh, đơn vị quản lý cây xanh đô thị tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông: Sau một thời gian chăm sóc, đơn vị này nhận thấy cây sò đo cam không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Rễ cây sò đo cam chỉ ăn ngang chứ không cắm sâu xuống đất nên rất dễ gãy đổ trong mùa mưa, cành lá và hoa rất nhiều nên dễ gãy, nhất là khi mưa to gió lớn, khả năng chịu khô hạn vào mùa nắng thấp. Thời gian qua, chủ yếu cây xanh đô thị bị gãy đổ trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa là cây sò đo cam. Tình trạng này đã gây nguy hiểm, cản trở việc lưu thông của người và phương tiện qua đoạn đường này.



Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cây xanh Công Minh, ông Khúc Văn Hợi, đơn vị quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cho biết: Trong quá trình chăm sóc cây sò đo cam thì ông nhận thấy đây là một loài cây cho hoa đẹp và mọc nhanh, tuy nhiên hạt của nó có cánh nên khả năng phát tán ra ngoài tự nhiên là rất cao. Đến nay, đơn vị chưa ghi nhận hiện tượng hạt cây nảy mầm. Tuy nhiên, mỗi khi cây ra hoa rộ, đơn vị đều cho công nhân cắt bỏ hoa để tránh cây ra quả, sau đó phát tán, nảy mầm ngoài tự nhiên.



Nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường này cho biết họ cảm thấy rất lo lắng vì đã mấy năm qua, thông tin về việc cây sò đo cam có hại cho môi trường và sức khỏe được một số báo, đài nói đến nhưng loại cây này vẫn được chăm sóc đều đặn và phát triển xanh tốt ngay trước nhà. Người dân rất thắc mắc vì sao cơ quan chức năng chậm trễ trong việc xử lý, thay thế bằng một số loại cây trồng khác phù hợp hơn với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.



Ông Nguyễn Thành Công, người dân phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa cho biết: Cách đây hơn 2 năm, ông tình cờ nghe một số người trong xóm nói sò đo cam là loại cây có hoa khá độc hại. Ông bán tín bán nghi vì không biết thực hư như thế nào. Ông thắc mắc nếu là cây có hại thì sao ngành chức năng chọn trồng làm cảnh quan, hơn nữa lại trồng hàng loạt. Tuy nhiên cho đến nay, ông và nhiều hộ dân lân cận vẫn chưa có được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng và cũng không thấy ai xử lý số sò đo cam đã trồng. Gia đình ông lại có con nhỏ nên càng thêm lo lắng.


Còn ông Tạ Văn Hoàng, người dân phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa chia sẻ: Ông thường thấy mỗi khi sò đo cam ra hoa thì lại có người bên cây xanh đô thị đi cắt bỏ hàng loạt. Ông thắc mắc vì việc trồng cây để cho hoa làm đẹp cảnh quan nhưng cây ra hoa lại cắt bỏ, vừa tốn công sức vừa gây lãng phí. Cũng theo ông Hoàng, nếu thật sự sò đo cam là loại cây gây hại thì các ngành chức năng cần sớm xử lý, thay thế. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc thẩm định, chọn trồng cây này cũng cần được xử lý.



 * Cần sớm thay thế loại cây này 


Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT  vào tháng 7/2011 xác định sò đo cam (tên khoa học Spathodea Campanulata) là 1 trong 100 loại cây ngoại lai gây hại. Sau đó, đến tháng 1/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý việc trồng cây sò đo cam trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu dừng việc trồng cây sò đo cam, dừng việc nhân giống, kinh doanh, đồng thời quản lý chặt số lượng gần 1.800 cây đã trồng, tránh để phát tán ra môi trường.


Đến nay việc thay thế số cây sò đo cam bằng cây trồng khác vẫn chưa thực hiện được. Phó phòng Quản lý đô thị thị xã Gia Nghĩa - ông Lê Văn Bi, lý giải nguyên do chủ yếu là chưa có kinh phí. Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã xin ý kiến các đơn vị liên quan như Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng… để thay thế toàn bộ số cây sò đo cam đã trồng trên Quốc lộ 14. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho thay thế cây sò đo cam trên tuyến quốc lộ 14 bằng cây lim xẹt và cây sim rừng. Hiện Phòng quản lý đô thị đang hoàn thiện các thủ tục liên quan và đến đầu mùa mưa năm 2016 mới thay thế được.


Có ít nhất phải một năm nữa gần 1.800 cây sò đo cam trên tuyến đường Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa mới được đốn bỏ và trồng thay thế. Thông qua vụ việc trên, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần phải thẩm định kỹ trong việc chọn và trồng các loại cây xanh đô thị, tránh để tình trạng tương tự như đối với cây sò đo cam, vừa tốn kém công chăm sóc, lại lãng phí ngân sách nhà nước, tiền bạc của người dân.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Cần quy hoạch, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý


Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm không theo quy hoạch làm cho nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm, nhất là vào các tháng mùa khô hàng năm.



Diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng thu hẹp do bị tàn phá nặng nề, cộng với những yếu tố bất lợi của thời tiết như lượng mưa hàng năm có xu hướng giảm, mùa khô kéo dài và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất khiến tài nguyên nước ngầm suy giảm. Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu nhu cầu cần nước tưới trong mùa khô ngày càng lớn dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan, không kiểm soát được nên mực nước ngầm đã giảm bình quân từ 3 - 5 mét, có nơi giảm từ 6 - 8 mét.


Đoàn địa chất 704 đã kiểm tra và khảo sát một số vùng như Krông Pắk, Lắk, Krông Búk và vùng phía Đông của thành phố Buôn Ma Thuột kết quả cho thấy mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 5 năm về trước. Tại vùng Lắk, Krông Pắk, Ea Kar, Cư Kuin năm 2004 có thể khai thác tối đa 0,4 - 0,6 triệu mét khối/ngày thì nay chỉ còn chưa đến 300.000 mét khối/ngày và nhiều nơi còn ở dưới mức 250.000 mét khối/ngày.


Tại Đắk Lắk, các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cà phê đã tự động tổ chức khoan trên 5.000 giếng khoan để lấy nước ngầm phục vụ tưới cho cà phê, hồ tiêu trong mùa khô. Mỗi giếng khoan khoan sâu xuống lòng đất từ 70 đến hàng trăm mét, có đường kính 15cm, sau đó dùng điện ba pha hút nước lên tưới cho cà phê, hồ tiêu…Theo các ngành chức năng, việc này sẽ gây hậu quả khôn lường, làm thủng tầng nước ngầm ở nhiều nơi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kệt nguồn nước ngầm ở vùng Tây Nguyên.


Vào mùa khô năm 2015, do khai thác nguồn nước ngầm quá mức để tưới cho cà phê làm cho mực nước ngầm của thành phố Buôn Ma Thuột cạn kiệt, bình quân giảm 15.000 mét khối /ngày đêm so với trước nên nhiều xã, phường buộc phải cắt nước luân phiên từ 2 - 3 ngày/tuần trong các tháng 4, 5 và hàng loạt giếng đào đều cạn trơ đáy…


Trước tình  trạng trên, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch, sử dụng tài nguyên nước ngầm, nước mặt một cách đồng bộ, hợp lý, khoa học. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên nên ưu tiên nguồn nước ngầm phục vụ dân sinh (không tìm cách vắt kiệt nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp như hiện nay) nhằm đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.