Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Dân lo lắng vì ô nhiễm và chấn động từ nổ mìn



Thời gian gần đây, việc mỏ đá Thung Mây của Công ty TNHH Hoàng Danh đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác đá đã được người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) phản ánh. Hơn nữa, quá trình nổ mìn lấy đá cũng gây chấn động mạnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của người dân...

Theo Quyết định số 142, ngày 20/02/2009, Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép khai thác đá tại mỏ Thung Mây cho công ty TNHH Hoàng Danh với diện tích khai thác khoảng 18 héc ta.  Sau khi được cấp phép, đơn vị này tiến hành các thủ tục xây dựng cơ bản mỏ, sau đó bắt tay vào tiến hành khai thác cho đến nay.

Người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp phản ánh kể từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động đã gây không ít phiền hà, thậm chí bức xúc cho người dân nơi đây.

Theo phản ánh của các hộ dân này, việc nứt nẻ đã xuất hiện từ những năm 2012, sau khi phản ánh thì phía công ty có đền bù cho dân tổng cộng thiệt hại là 120 triệu đồng.



Cũng liên quan đến việc nổ mìn, theo người dân, một số hộ dân như hộ anh Nguyễn Văn Thanh và hai anh em ông Lang Văn Mùi và Lang Văn Lịnh cùng một số hộ dân khác ngoài nhà cửa bị nứt nẻ thì có một số lần do phía mỏ đá nổ mìn với khối lượng lớn nên đã xuất hiện một số viên đá văng về phía các hộ dân gây vỡ ngói và rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi. Hơn nữa, chấn động của việc nổ mìn cũng khiến cho trẻ con giật mình thon thót...

 Chị Lang thị Bốn bức xúc “Không nứt nhà cửa sao được khi họ nổ mìn với khối lượng thuốc nổ lớn như thế. Họ nổ 1 lần để phục vụ cho quá trình khai thác và sản xuất khoảng 1 tuần lễ, thậm chí cả tháng trời cơ mà. Chúng tôi lo lắng vì cuộc sống bị ảnh hưởng do quá trình khai thác của mỏ đá này lắm. Phản ánh lên chính quyền và phía mỏ đá thì họ cũng chỉ xuống kiểm tra qua loa rồi đâu lại vào đó”.

Tại khu vực khai thác gần các hộ dân nhất có khoảng cách khoảng trên dưới 150 mét, phía dưới mỏ là hàng vạn khối đất đá thải được đơn vị này đổ xuống phía dưới, sát với khu canh tác mía và hoa màu của người dân.

Ngoài việc nổ mình gây chấn động, ảnh hưởng đến người dân. Mỏ đá Thung Mây còn tiến hành đổ đất, đá thải xuống vực phía bên trái của mỏ này. Hàng vạn khối đất, đá được đổ nham nhở bao quanh cả một vùng đất rộng lớn khiến cho khu vực Thung Mây trông chẳng khác nào một “bãi chiến trường”.



Theo phản ánh của người dân, do Công ty TNHH Hoàng Danh đổ đất, đá thải tại khu vực nêu trên nên vào mùa mưa lũ xuất hiện hiện tượng sạt lở và cuốn trôi số đất, đá thải xuống phía dưới, gây ách tắc dòng chảy cũng như lấp một số diện tích đất tại khu vực này. Hơn nữa, lượng nước mưa rửa trôi số đất, đá thải (có nhiều đá bột - PV) khiến cho nguồn nước chảy từ khu vực đổ thải mỏ đá này xuống phía dưới bị ô nhiễm, xuất hiện nguồn nước có màu trắng đục của bột đá. Cũng theo các hộ dân nơi đây, do đất đá thải từ mỏ tích tụ trong mưa lũ nhiều năm nên đập nước gần đó của người dân dùng từ bao đời nay đã bị vùi lấp, cạn trơ đáy từ bao giờ.

Ngoài ra, người dân cũng “tố” Công ty Hoàng Danh còn gây bụi bặm trong quá trình xay nghiền đá, nhất là khi có gió thì một lượng bụi không nhỏ bay về phía các hộ dân khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Ngoài ra, dàn xe chở đá của đơn vị này cũng bị người dân lên tiếng phản đối vì có nhiều xe chở quá tải, khi lưu thông trên các tuyến đường đã gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường và có nguy cơ gây tai nạn cao.




Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hoa - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ. Theo ông Hoa thì những phản ánh của người dân về những bất cập phát sinh trong quá trình khai thác, xay nghiền đá tại mỏ Thung Mây của Công ty TNHH Hoàng Danh hầu hết là có cơ sở. "Vấn đề nổ mìn gây chấn động nứt nẻ nhà cửa và đá văng trước đây là có. Phía công ty cũng đã có đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Từ đó đến nay thì không thấy có phản ánh mới từ người dân về vấn đề này nữa. Mới ngày 20/10 vừa qua, chúng tôi có nhận được phản ánh từ chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giai Xuân là dàn xe chở đá của Công ty Hoàng Danh quá tải, gây ô nhiễm và bị người dân phản đối; vấn đề này chúng tôi đang chuẩn bị cho kiểm tra xử lý. Còn về bụi bặm phát sinh trong quá trình sản xuất, gây ô nhiễm là có. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho kiểm tra tổng thể để có biện pháp xử lý doanh nghiệp" - ông Nguyễn Văn Hoa nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Vương Đình Quang - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ, cho biết thêm: "Hiện, theo tôi được biết thì phía công ty có đền bù phần đất phía dưới mỏ cho dân để làm bãi thải của đơn vị. Hơn nữa, đơn vị này có đắp một cái kè phía dưới để ngăn chất thải tràn xuống phía dưới ảnh hưởng đến dân".

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì đất đá thải và bùn thải, nước từ bột đá vẫn tràn xuống phía dưới mỗi khi có mưa. Đồng thời, thì lượng đất đá thải của đơn vị này là rất lớn, đến hàng vạn khối được đổ tràn lan xuống phía ta luy âm của mỏ này, kéo dài đến khoảng gần cây số. Cảnh tượng hết sức ngổn ngang, khu vực xung quanh bao trùm bụi đá, ô nhiễm môi trường đang đe dọa khu vực này.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Nạo vét ao đầm nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường ở Cà Mau




Ngày 03/10/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 24/QĐ – UBND về sên vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát hoạt động sên vét ao đầm hằng năm. Thế nhưng đến nay hoạt động này vẫn còn năm ngoài kiểm soát của ngành chức năng và cấp chính quyền, khiến môi trường bị ô nhiễm, hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn.



Hoạt động sên vét đất, bùn cải tạo ao đầm được đổ thẳng xuống sông như thế này đã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thay vì như trước đây chỉ được sên vét đất, bùn thải cải tạo ao, đầm nuôi tôm trong vòng 1 tháng thì theo Quyết định 24/QÐ- UBND của tỉnh Cà Mau, cho phép hoạt động trên có thể tiến hành quanh năm. Tuy nhiên, trong Quyết định có nêu rõ chỉ hộ nào có diện tích bao ví để chức bùn, nước trong quá trình sên vét mới được tiến hành sên vét, không được thải ra sông rạch. Thế nhưng trên thực tế hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống sông rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm mâu thuẫn giữa nội bộ người dân ngày một gay gắt. Đặc biệt là giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp. Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường xuyên trực tiếp lấy nước vào vuông không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên bức xúc.




Trong Quyết định có nêu rõ chỉ hộ nào có diện tích bao ví để chức bùn, nước trong quá trình sên vét mới được tiến hành sên vét, không được thải ra sông rạch. Nhưng trên thực tế hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống sông rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm mâu thuẫn giữa nội bộ người dân ngày một gay gắt. Đặc biệt là giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp. Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường xuyên trực tiếp lấy nước vào vuông không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên bức xúc.




Bà Trương Thị Ðậm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước bức xúc cho biết: “Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch không có khu bao chứa đất bùn thải sên vét, sau mỗi vụ nuôi lén thải trực tiếp ra kinh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước. Những người nuôi tôm công nghiệp do tự phát nên thường cải tạo ao đầm không tuân thủ theo lịch thời vụ, hết mỗi vụ nuôi là họ cải tạo. Do họ nuôi không đồng loạt nên việc cải tạo cũng không thể đồng loạt được, trong khi đó, người nuôi tôm quảng canh như chúng tôi làm sao có điều kiện để làm ao lắng và xử lý nước. Thiệt hại vẫn là những hộ nuôi tôm quảng canh”.




Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước - ông Nguyễn Thanh Giảng cho biết, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chỉ có 970 hộ có đơn xin cải tạo ao đầm, trong khi đó toàn huyện có trên 3.000 hộ nuôi tôm. Như vậy, có nhiều người dân tự sên vét đất bùn mà không xin phép và việc xả thải trực tiếp xuống kinh rạch hoặc diện tích khu bao ví nhỏ làm bùn thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn. Ðịa bàn thì rộng lớn, hoạt động sên vét xả thẳng ra kinh rạch phần lớn thực hiện vào ban đêm nên việc phát hiện rất hạn chế.




Trước tình hình trên, ông Ðinh Hiếu Nghĩa, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, Thanh tra Sở phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản đã kiểm tra thực tế ở nhiều địa phương. Qua tổng hợp ý kiến của nhiều người dân, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm, Thanh tra Sở NN&PTNT kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi bổ sung Ðiều 6, Quyết định 24/2014/QÐ-UBND như sau: “Thời gian sên vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi trồng thuỷ sản được thực hiện quanh năm đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi tôm công nghiệp, nhưng phải có khu chứa bùn thải và các chất thải khác, trong quá trình sên vét không cho bùn thải rò rỉ ra bên ngoài và không cho xả thải trực tiếp ra sông rạch. Ðối với các hộ nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, thời gian sên vét ao đầm nuôi tôm cho thực hiện từ tháng 9-10 hằng năm, vì thời gian này là thời điểm ngắt vụ nuôi, khuyến cáo người nuôi nên ngắt vụ, phơi đầm cải tạo lại trước khi thả nuôi vụ mới để giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Đắk Lắk kiên quyết xử lý việc lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép



Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiên quyết xử lý, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật nhằm thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ



Để xây dựng phương án xử lý giải tỏa, thu hồi theo đúng quy định, tỉnh chỉ đạo các địa phương, chủ rừng, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ nhằm rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật .




Là một trong những địa phương có tình trạng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số di cư ngoài kế hoạch đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép nhiều nhất, chính quyền địa phương huyện Ea Súp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý và buộc tháo dỡ gần 100 lán trại xây dựng trái pháp luật trên đất lâm nghiệp tại các tiểu khu rừng 172, 182, 192, 196… của các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Rừng Xanh và xã Cư Kbang với tổng diện tích hàng trăm mét vuông. Huyện cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân trồng lại trên 314 ha rừng bị phá trái phép tại các tiểu khu 267, 268 của xã Ea Bung…




Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’gar) cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng lập biên bản 12 đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá rừng, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng đất rừng trái pháp luật; đồng thời tiến hành quy hoạch các cụm, khu dân cư để di dời 103 hộ đồng bào dân tộc thiểu số di cư ngoài kế hoạch, đang cư trú trái phép trên đất lâm nghiệp.




Huyện Ea H’Leo cùng đoàn liên ngành cũng kiên quyết xử lý, thu hồi 100 ha đất rừng tại các tiểu khu 87, 95, 106, 110 ở xã Ea Hiao do 119 hộ dân ở huyện Krông Năng lấn chiếm trái phép…




Nhưng theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hiện các địa phương, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ mới rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép, còn việc thu hồi đất rừng do các hộ lấn chiếm trái phép còn quá thấp so với yêu cầu.




Tỉnh Đắk Lắk đang chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng hoàn thành việc phê duyệt phương án tổng thể về xử lý, giải tỏa thu hồi rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật; tổ chức đồng loạt ra quân xử lý, giải tỏa thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái phép để có kế hoạch trồng lại rừng.




Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 26.472 ha rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Phạt 2 tỷ đồng vì xả nước thải



Sau khi người dân mang hàng trăm kg cá chết nhờ Chủ tịch Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết tình trạng ô nhiễm do 8 nhà máy xả nước thải ra sông.




Cơ quan chức năng kiểm tra các nhà máy xả thải ra sông


Xử phạt 8 nhà máy chế biến hải sản có hành vi xả thải ra sông Chà Và thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng số tiền 2 tỷ đồng là quyết định của Cục Cảnh sát môi trường.


Theo Cục Cảnh sát môi trường, các nhà máy này là lắp đặt những máy bơm di động có công suất lớn. Mỗi ngày họ bơm nước thải từ 2 đến 4 tiếng xả ra sông Rạch Ván và sông Chà Và. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến cá nuôi của ngư dân chết hàng loạt.


Tại khu vực hạ lưu sông Chà Và có khoảng 193 hộ nuôi cá với gần 5.000 lồng bè. Trong nhiều năm qua, tình trạng cá chết liên tục xảy ra gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hơn hai tuần trước, tình trạng này lại tiếp diễn.


Ngày 7/9 nhiều người dùng xe ba bánh chở hàng trăm kg cá chết đến Trung tâm hành chính yêu cầu được gặp Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phản đối. Cơ quan chức năng đã thống kê thiệt hại cá chết đợt này của người dân khoảng 5 tỷ đồng.


Người dân cho rằng nước sông ô nhiễm khiến cá nuôi lồng của họ chết hàng loạt. 


Các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục khảo sát, lấy mẫu đột xuất để xét nghiệm tại Viện Môi trường - Tài nguyên, đồng thời tiến hành thanh tra toàn diện về môi trường, đất tại các cơ sở chế biến hải sản.


Trong khi chờ kết quả xác định mẫu nước thải và nguyên nhân cá chết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tạm dừng hoạt động các cơ sở chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Xử lý rác ở Đa Phước gặp nhiều khó khăn, bất cập

Tp. Hồ Chí Minh đang làm ngược lại với cách ban đầu giá xử lý rác có thể cao, vì đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại....nhưng những năm sau thì giá xử lý rác sẽ được giảm dần cho đến lúc về 0, sau đó nhà nước không phải trả tiền cho doanh nghiệp nữa.

Đó là nhận định của PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường nhận định trước những bất hợp lý về việc chi trả tiền xử lý rác tại bãi rác chôn lấp Đa Phước, vốn xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày tại TPHCM.





Bĩa rác Đa Phước (hình chụp năm 2010)


Nguy cơ ô nhiễm lan rộng


Theo quyết định của ủy ban nhân dân TP.HCM, từ ngày 30.11.2014, 1.200 tấn rác/ngày tại bãi chôn lấp số 3 của khu Phước Hiệp (Củ Chi - chủ đầu tư là công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) được chuyển về bãi chôn lấp rác Đa Phước (chủ đầu tư là Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam ).


Đến ngày 31.3.2015, bãi chôn lấp số 3 hoàn toàn đóng cửa, 800 tấn rác/ngày còn lại tại đây được chuyển về Đa Phước. Theo quyết định của UBND TP.HCM, lý do đóng cửa bãi chôn lấp số 3 là ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, qua rất nhiều phân tích và ý kiến, vấn đề này chưa thuyết phục. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên Môi trường vào năm 2013, so sánh môi trường tổng thể của cả Phước Hiệp và Đa Phước đều cho thấy sự hiện diện của các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng liên quan đến hoạt động xử lý chất thải, không quá chênh lệch, trong đó khu Phước Hiệp xử lý rác thải cho thành phố đã 13 năm, khu Đa Phước là 7 năm.


Tại buổi khảo sát Phước Hiệp của Ban Kinh tế ngân sách, Hội đồng Nhân dân TP.HCM vào tháng 2.2015, đại diện UBND xã Phước Hiệp và huyện Củ Chi khẳng định: từ năm 2014 cho đến nay, người dân không còn phản ánh về việc ô nhiễm của bãi rác Phước Hiệp. So với năm 2013, mùi hôi khu vực này đã giảm 90%. Do vậy, việc đóng cửa bãi rác này vì nguyên nhân ô nhiễm cần phải xem xét lại.


Còn theo phân tích của Sở TNMT, khi Đa Phước còn xử lý 3.000 tấn rác/ngày, mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe vận chuyển rác sinh hoạt đến đây. Như vậy, trung bình 1,76 phút sẽ có một chuyến xe vận chuyển đến, và đã có hiện tượng ùn tắc giao thông từ quốc lộ 50 đến Đa Phước. Còn với 5.000 tấn rác/ngày như hiện nay, có khoảng 490 chuyến xe/ngày. Cùng với lượng xe vận chuyển rác buộc phải bố trí, lượng lớn xe mai táng, xe vận chuyển bùn thải, xe vận chuyển bùn hầm cầu sẽ gây sức chịu tải rất lớn cho quốc lộ 50. Dù quốc lộ 50 đang được quy hoạch mở rộng, nhưng cũng sẽ dẫn đến tình trạng rơi vãi nước rỉ rác, ô nhiễm mùi hôi thứ cấp do quá trình phân huỷ rác, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt khu dân cư xung quanh.


Chưa kể, việc tập trung khối lượng rác về một nơi sẽ không đảm bảo vấn đề an ninh chất thải (Đa Phước từng xảy ra cháy bãi rác vào tháng 2.2014), gây tăng ô nhiễm mùi hôi từ bãi rác ở phạm vi rộng hơn, tăng ô nhiễm không khí...





Độc quyền với giá cao ngất


Tại báo cáo gửi Thường trực Thành ủy ngày 20.3.2015 của ông Lê Mạnh Hà, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM,  75% lượng rác thành phố là Đa Phước chiếm cho thấy đang đi sai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (nâng cấp Phước Hiệp xử lý 8.000 tấn/ngày - lên 690ha, Đa Phước chỉ xử lý rác ở 200ha). Đồng thời, Đa Phước đang độc quyền trong lĩnh vực chôn lấp khi được nhận 100% rác chôn lấp của thành phố (số rác còn lại được chế biến composite và tái chế nhựa qua hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa - PV), có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.


Điều đáng nói, trong khi VWS chưa được thông qua giấy phép điều chỉnh đầu tư, chưa được Bộ Xây dựng thông qua điều chỉnh thiết kết, Bộ TNMT chưa phê duyệt lại giấy phép đánh giá tác động môi trường thì công ty này vẫn đang được tiếp nhận thêm 1.200 tấn rác/ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp chuyển về, nâng tổng công suất tiếp nhận rác tại khu vực này lên đến 4.200 tấn rác/ngày, vượt quá 50% tổng khối lượng rác thải của toàn thành phố, vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh.


Giá xử lý rác thải cho Công ty VWS cũng có nhiều bất cập. Công ty không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom, tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày theo giấy phép năm 2005. Thay vào đó, VWS đang vận hành bãi chôn lấp rác với công suất khoảng 5.000 tấn/ngày. Mặc dù không xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng công ty vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho doanh nghiệp khác đã thực hiện chôn lấp trước đây. Tính tại thời điểm hiện nay, thành phố thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3USD/tấn, tương ứng nhiều hơn khoảng 3 triệu USD/năm so với những doanh nghiệp thực hiện chôn lấp trước đây; tương đương khoảng 10 triệu USD/năm khi công suất xử lý khu Đa Phước lên 10.000 tấn/ngày. Chưa kể, giá khởi điểm 16,4 USD/tấn cho VWS (năm 2007) quá cao so với công ty cùng chôn lấp trong nước và tái chế composite. Cách tính lấy tổng chi phí chia cho số lượng rác xử lý làm đơn giá xử lý đã làm cho giá rác rất cao, không chính xác và hoàn toàn phụ thuộc thông tin do chủ đầu tư cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư khai quá cao cũng không xác định được.


Cách tính giá rác cho VWS theo CPI cũng không đúng quy định và không bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Hiện giá chôn lấp của Đa Phước đã 20,16 USD/tấn. Sau một thời gian giá chôn lấp thậm chí sẽ vượt giá đốt rác (30 USD/tấn). Ngoài ra, theo quy định pháp luật, giá cung cấp dịch vụ công ích do nhà nước ấn định, tuy nhiên thành phố lại thỏa thuận giá với VWS. Thực tế hiện nay, thành phố ấn định giá với tất cả các dịch vụ, sản phẩm công ích trong đó có xử lý rác, trừ xử lý rác ở Đa Phước!'


Việc cho phép khu Đa Phước tăng công suất chôn lấp lên 10.000 tấn/ngày như hiện nay và giá chôn lấp càng cao thì nguy cơ chủ đầu tư Đa Phước không thực hiện tái chế rác thải rất lớn. Các doanh nghiệp khác cũng không muốn tái chế vì giá chôn lấp cao. Các doanh nghiệp khác cũng không thể tham gia chôn lấp, vì theo quy hoạch TP.HCM, chỉ có hai khu xử lý rác nhưng một đã đóng cửa, khu còn lại là do VWS vận hành. Như vậy rõ ràng VWS sẽ trở thành độc quyền không chỉ trong lĩnh vực chôn lấp rác mà còn trong toàn bộ hoạt động xử lý rác và cản trở phát triển tái chế và đốt rác thải.


Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, hiện nay nguyên tắc, chủ trương chung là xã hội hoá lĩnh vực thu gom xử lý rác, dần dần nhà nước không phải trả tiền cho việc này, mà doanh nghiệp tự thu gom trong quyền hạn của mình, chế biến, phân loại, kinh doanh, và nhận được một số ưu đãi như về thuế, giá đất, giá điện... Vì vậy, việc thành phố ký hợp đồng với doanh nghiệp về giá xử lý rác tăng dần theo mỗi năm là vô lý.


“Ban đầu giá xử lý rác có thể cao, vì đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại... nhưng những năm sau thì giá xử lý rác sẽ được giảm dần, cho đến lúc về 0, nhà nước không phải trả tiền cho doanh nghiệp nữa. Còn TP.HCM thì đang làm ngược lại, giá tiền xử lý lại tăng dần, trong khi rác được xem là tài nguyên, anh thu gom xử lý rác và anh thu lợi nhuận được từ việc này - PGS Sỹ phân tích - Tôi rất ủng hộ việc tăng giá xử lý rác nhưng không làm mất đất cho chôn lấp, vì khi đã chôn lấp thì coi như toàn bộ đất đó là mất vĩnh viễn. Tăng giá xử lý rác mà giải quyết triệt để vấn đề môi trường và các vấn đề khác, không ảnh hưởng tới người dân thì ủng hộ. Nhưng nếu cùng một công nghệ như nhau, ở cùng một mặt bằng như nhau mà giá xử lý rác của hai đơn vị khác nhau thì cần phải xem lại”.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Nghệ An - khắc phục vấn nạn tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật.


Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) ông Hồ Trung Kiên thì ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Đây là chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc nguy hiểm, rất bền trong môi trường nên rất khó phân hủy sinh học. ...Những hóa chất này có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.

Thời gian các loại hợp chất tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, xử lý hoặc cải tạo để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Đối với các điểm chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê, thì các chất tồn lưu chủ yếu gồm Lidan vượt từ 37,4-3.458 lần.
Nghệ An - tỉnh có nhiều điểm tồn  động thuốc bảo vệ thực vật
Vấn đề khó khăn nhất là các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta, đó là các hóa chất này đã bị chôn lấp, rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển... không phù hợp tiêu chuẩn. Do đó, việc quản lý môi trường tại những điểm này là cải tạo, xử lý triệt để phục hồi các khu vực bị ô nhiễm để đưa hiện trạng của đất và nguồn nước ngầm trở về trạng thái ban đầu, nhưng hiệu quả đến đâu lại lệ thuộc vào mức độ đầu tư kinh phí cho công tác này.

Nghệ An là tỉnh có nhiều điểm tồn lưu nhất, bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, chiếm gần 80%, yêu cầu đến năm 2025 phải xử lý triệt để. Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, địa bàn Nghệ An cũng có tới 55 điểm, chiếm 55% số điểm trên cả nước.

Kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, xác định tới 265 điểm có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất lớn hơn quy chuẩn cho phép chiếm 96%. Việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật rất phức tạp, yêu cầu về mặt kỹ thuật xử lý rất cao và đòi hỏi có nguồn kinh phí rất lớn. Tỉnh đã và đang triển khai xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra tỉnh đã tiến hành điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm, lập các dự án xử lý 73 điểm khác.


Khu bảo tồn thiên nhiên lâm tặc cũng không tha

Nhiều cây nghiến bị triệt hạ trên địa bàn thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, tại khu vực rừng núi đá thuộc thôn Lủng Lỳ, thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn cho biết  có 23 cây nghiến và trai lý thuộc nhóm IIA bị triệt hạ, tổng khối lượng ước tính gần 100m3.



Phó Chi cục trưởng Kiểm Lâm Bắc Kạn ông Nguyễn Đoàn Tú cho biết: "Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông diễn biến phức tạp. Một số thanh niên từ các địa phương khác đến kết hợp với thanh niên xã Cao Sơn tụ tập uống rượu đến đêm khuya, sau đó dùng xe máy vận chuyển lâm sản trái phép, chủ yếu là gỗ nghiến tròn dạng thớt từ địa bàn thôn Lủng Lỳ ra xã Côn Minh (huyện Na Rì) và xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) để tiêu thụ. Kiểm lâm đã bắt được nhiều vụ và bị một số thanh niên tập trung gây rối, chửi bới, lăng mạ. Kiểm lâm đã phải xin hỗ trợ của công an huyện Na Rì..."


Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã báo cáo các cơ quan chức năng. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông đã triệu tập 37 đối tượng liên quan đến vụ việc. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông cũng đã khởi tố vụ án hình sự, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại thôn Lủng Lỳ và thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông; bắt tạm giam 12 đối tượng (10 người cư trú tại thôn Lủng Lỳ, 1 người cư trú tại thôn Khau Cà, xã Cao Sơn và 1 người cư trú tại thôn Khuổi Đeng 2, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn).


Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Bà Rịa Vũng Tàu - đau đầu vì cá chết khắp sông.




Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa kiểm tra toàn diện các cơ sở chế biến hải sản vì nơi đây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Ngày 14-9, đoàn kiểm tra đã thanh tra toàn diện các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 

Được biết nguyên nhân xảy ra vụ việc xuất phát từ nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất hải sản đã xả trực tiếp ra sông khiến hàng trăm lồng bè cá tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Trước đó, ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: “Các cơ sở hoạt động trở lại phải cam kết tuyệt đối đảm bảo an toàn về môi trường. Tuy nhiên, một số cơ sở đã lén lút xả thải trực tiếp vào ban đêm hoặc thứ 7, chủ nhật mà không qua hệ thống xử lý nước thải”.
Cá ngôi lên rất nhiều, đen cả khúc sông
Ông Sinh còn cho biết thêm về việc quy hoạch các nhà máy chế biến hải sản từ 20 năm trước nay không phù hợp nữa do ở gần trung tâm hành chính của tỉnh, nơi đông dân cư. Đã có chủ trương di dời các cơ sở chế biến hải sản nhưng mới triển khai được một số cơ sở, còn lại đang chờ do thiếu kinh phí. Sau vụ việc cá chết hàng loạt, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý rốt ráo.

Rùng rợn với các cơ sở sử dụng chất tạo nạc cho heo tại Củ Chi.

Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, cụ thể là ở huyện Củ Chi các cán bộ chi cục Thú y vừa phát hiện 1 trang trại chăn nuôi của anh Minh Ngọc có sử dụng chất cấm để tạo nạc.

Trong quá trình truy xuất nguồn gốc các lô heo tại các cơ sở giết mổ, các cán bộ chi cục thú y phát hiện trang trại của anh Ngọc có sử dụng thức ăn chứa chất cấm salbutamol (một chất tạo nạc, tăng trọng). Chi cục Thú y Thành phố cho biết. Ngày 3-10 theo chi cục Thú y, trang trại của anh có tất cả 800 con, trong đó có trên 100 con đang xuất bán.
Các trang trại hiện nay đang sử dụng chất cấm để tạo nac.
Theo đó, chi cục Thú y phát hiện các trang trại này dương tính với chất tạo nạc, tăng trọng nên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại trang trại. Tại đây, đoàn lấy năm mẫu nước tiểu và ba mẫu cám ăn trong máng đang cho heo ăn để xét nghiệm. Kết quả các mẫu trên đều dương tính với chất tạo nạc, tăng trọng.

Ngoài ra, chi cục Thú y TP.HCM cho biết còn có thêm rất nhiều thương lái các mẫu heo đều chứa chất tạo nạc. Với sai phạm trên, chi cục Thú y đã xử phạt, đồng thời yêu cầu lưu giữ đàn heo tại lò mổ đến lúc đào thải hết chất cấm mới được giết mổ.

Công ty môi trường phi tang hơn 1.300 tấn chất thải rắn và gần 300 tấn xà bần

Xí nghiệp dịch vụ Môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh (Công ty MTĐT TP) trong lúc chôn hơn 1.300 tấn chất thải rắn và gần 300 tấn xà bần đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B - Bộ Công an) vừa phát hiện. Đây không phải là lần vi phạm đầu tiên của đơn vị này.



Khi nhận được tố cáo của người dân sống gần bãi rác Đông Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, C49B tiến hành kiểm tra bãi rác trên do Công ty MTĐT TP quản lý. Tại đây, C49B phát hiện lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng một hố sâu chứa hơn 1300 tấn chất thải rắn và gần 300 tấn xà bần.

Trung tá Nguyễn Tuấn Quảng -Đội phó thuộc Phòng 2 - C49B, cho biết số chất thải này là bùn đất nhiễm thuốc trừ sâu của Xí nghiệp Bình Triệu thuộc Công ty CP thuốc sát trùng VN. Năm 2011, Xí nghiệp Bình Triệu giải tỏa vì nằm trong dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, số chất thải này được vận chuyển về đây lưu giữ và được hóa rắn. Sau đó, Xí nghiệp dịch vụ Môi trường tiến hành đào hố để tôn tạo khu vực hồ số 7 và đưa toàn bộ lượng chất thải này  xuống hố.

Xí nghiệp dịch vụ Môi trường cho biết trước khi đưa hơn 1.300 tấn chất thải rắn xuống hố có xin ý kiến thành phố Hồ Chí Minh, nhưng C49B yêu cầu cung cấp văn bản liên quan thì đơn vị này không đưa ra được? “Việc Công ty MTĐT TP đào hố dài 50m, rộng 12m và sâu 6m để lưu giữ hơn 1.300 tấn chất thải rắn và khoảng 300 tấn xà bần, vụ việc do trước đây Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp các cá sở, ngành liên quan giám sát việc thực hiện vận chuyển xử lý lưu giữ của Công ty MTĐT TP. Do đó, C49B chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Sở Tài nguyên Môi trường và UBND thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền…” - công văn C49B trả lời về việc Công ty MTĐT TP sai phạm.

Năm 1990, mỗi ngày hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển về Bãi rác Đông Thạnh chôn lấp, khiến hàng ngàn hộ dân sống ven bãi rác bức xúc vì ô nhiễm. Ngay sau đó Công ty Môi trường đô thị TP trợ cấp độc hại cho mỗi người dân 60.000 đồng/tháng/người.

Năm 2002 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định đóng cửa bãi rác Đông Thạnh. Đến năm 2005 ở đây không còn là bãi rác, thay vào đó là hệ thống xử lý nước rỉ rác và chất thải nguy hại công suất 21 tấn/ngày.

Năm 2014, tiếp tục hình thành thêm nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH môi trường Quốc Việt làm chủ đầu tư theo giấy phép của Tổng cục Môi trường, thời hạn đến năm 2017.

Điều đáng nói, mặc dù chất thải nguy hại còn nguy hiểm hơn rác thải nhưng số tiền trợ cấp độc hại từ bãi rác Đông Thạnh cho hàng ngàn người dân (chủ yếu ở ấp 7 còn lại một phần ấp 3 và 5) từ 60.000đồng/người/tháng giảm xuống còn 25.000đồng/người/tháng.

Hỏi về nguồn nước ở “bãi rác Đông Thạnh” có bị ô nhiễm không?, một lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh thừa nhận, người dân bức xúc ô nhiễm nguồn nước ở bãi rác Đông Thạnh đã nhiều năm nay. Xã cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên về bức xúc của người dân.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng




Những cánh rừng thông thuộc khu vực rừng phòng hộ hồ Đại Ninh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian gần đây.  Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương lại tỏ ra lúng túng khi tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt cây, ken gốc thông diễn ra phổ biến và có dấu hiệu ngày càng “nóng”.



Vô tư phá rừng

Các khu rừng nằm trên địa bàn hai xã Tà Hine và Đà Loan xuất hiện những cây thông nằm ngổn ngang, có gốc thông còn ứa nhựa. Những vạt rừng trơ đất đá bạc màu, những cái hố vừa mới được đào để chuẩn bị trồng cà phê… Có những điểm phá rừng nằm ven lòng hồ Đại Ninh, có điểm chỉ cách Ủy ban nhân dân xã Tà Hine vài trăm mét. Những cánh rừng phòng hộ bị phá thuộc tiểu khu 363, 364, chịu sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đại Ninh và lâm phần của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh.

Khu vực thác Bảo Đại (xã Tà Hine), đoạn gần lòng hồ Đại Ninh, là cả một khu rừng thông bị chặt trắng, ước tính khoảng hai nghìn mét vuông. Những nơi đã chặt xong có vài ba người đang đào hố để chuẩn bị trồng cà phê, trồng ngô...

Tại thôn B’Liang, xã Tà Hine vào nửa đêm, tiếng máy nổ của xe máy cày kéo những khúc gỗ thông về thôn làm mất giấc ngủ của mọi người. Ngang nhiên hơn, những khúc gỗ thông này còn được vận chuyển về gần nhà mẫu giáo của thôn B’Liang, xã Tà Hine để xẻ nhỏ, rồi đưa đi tiêu thụ nhưng không có bất kỳ lực lượng nào ngăn chặn, xử lý.

Trong khi đó, con đường mòn nối xã Tà Hine với xã Đà Loan và Quốc lộ 28B, đoạn nối ngã ba Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với Lương Sơn (Bình Thuận) có điểm cây ngã đổ hàng loạt, nằm la liệt khắp nơi, từ sườn núi đến tận đỉnh đồi.

Men theo con đường đá gập ghềnh vào tiểu khu 364 (đoạn nằm gần nhà máy sản xuất gạch), hai bên đường có rất nhiều gốc cây lớn khoảng 40 - 50cm bị đốn hạ. Những vạt rừng thông mênh mông với hàng chục, thậm chí hàng trăm thân cây chết đứng, có gốc còn ứa nhựa thông. Nhiều cây thông lớn đã được xẻ gỗ để chuyển đi, dấu cưa vẫn còn tươi mới. Có nơi cả đồi thông đã bị “cạo trắng”, cây cối ngổn ngang.

Lực lượng chức năng bó tay?

Phần lớn rừng ở Đức Trọng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình thủy lợi Đại Ninh và một số diện tích rừng nguyên sinh, rừng sản xuất, nằm trên địa bàn các xã Ninh Gia, Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng do Ban quản lý rừng Đức Trọng và Đại Ninh quản lý.

Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết: Sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đức Trọng giai đoạn 2014 - 2020, diện tích đất lâm nghiệp trên 42,2 nghìn ha; trong đó rừng phòng hộ khoảng 18,4 nghìn ha và rừng sản xuất trên 23 nghìn ha được giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý như Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Ninh Gia, Tà Năng.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, tính từ đầu năm đến tháng 9/2015, có 36 vụ với trên 300 nghìn m2 rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý bị phá. Hạt kiểm lâm huyện đã chuyển hồ sơ cho Ủy ban nhân dân xã Tà Hine nhưng đến nay chưa được xử lý. Tương tự, tại phần diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng quản lý, 9 tháng qua có 28 vụ phá rừng với diện tích bị phá là 10.800 m2…

Lý giải việc rừng bị phá ngay gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trụ sở ban quản lý rừng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Hine Vũ Xuân Mừng cho rằng: Các đối tượng phá rừng vào ban đêm nên rất khó bắt được thủ phạm. "Các đối tượng phá rừng chỉ cần một cái cưa máy và thuốc sâu bơm vào gốc cây là có thể phá cả ha rừng. Hiện nay, chính quyền địa phương đã có văn bản gửi huyện Đức Trọng để hoàn tất hồ sơ chờ xử lý” - ông Mừng cho biết thêm.

Trong khi đó, nhiều người dân trong xã Tà Hine bức xúc cho rằng, tình trạng mất rừng ở Tà Hine là do có sự bao che của các cán bộ thôn, cán bộ kiểm lâm trên địa bàn xã, nên gỗ được vận chuyển đưa về trong xã mà không ai xử lý.

Rừng bị phá với tốc độ chóng mặt, nhưng chính quyền địa phương lại phản ứng chậm, có chiều hướng buông xuôi bất lực, không có giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn nạn này. Và trong khi những người có trách nhiệm cho rằng “gặp khó khăn” thì rừng tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng... !

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Malaysia than khóc vì khói bụi.


Trong 2 ngày 5 và 6 - 10 tới, tất cả các trường học trên toàn quốc Malaysia đóng cửa hoàn toàn do tình trạng ô nhiễm quá mức, văn bản được đưa ra vào hôm 4-10.

"Tình trạng khói bụi đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta phải nhanh chóng xử lý để tránh tác hại đến sức khỏe của học sinh" - Bộ trưởng Giáo dục Mahdzir Khalid cho biết.
Hình ảnh được ghi nhận tại Malaysia
Được biết nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm là do đám cháy rừng tại Indonesia và nó đang lan rộng ra Singapore, Malaysia. Đây được xem là đợt ô nhiễm trầm trọng nhất trong lịch sử Đông Nam Á, gây thiệt hại 9 tỉ đồng. Trong hôm nay có hơn 50% trong tổng số 52 trạm quan sát ô nhiễm không khí ở Malaysia công bố kết quả "có hại cho sức khỏe". 

Ngoài Indonesia, Malaysia và Singapore, khói bụi từ cháy rừng ở đảo Sumatra và Borneo cũng đã lan tới đảo Cebu ở Philippines. Từ Malaysia, Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi kêu gọi Indonesia đưa ra các biện pháp chống khói bụi về lâu dài.

Nạn khói bụi đã làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân, bên cạnh đó các hoạt động văn hóa và thể thao trên phạm vi thế giới cũng tạm hoãn.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Bảo vệ môi trường và ý thức của người dân


Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng khu dân cư không rác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức vào ngày 30/9 vừa qua .


Những năm vừa qua, các chương trình và hoạt động truyền thông môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào sự chuyển biến nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường của người dân thành phố. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân tiếp cận các thông tin liên quan đến môi trường, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư là đánh giá của Tiến sĩ Phạm Gia Trân (Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) tại hội thảo.


Tiến sĩ Phạm Gia Trân cho biết, kết quả khảo sát người dân, sinh viên trên địa bàn thành phố cho thấy, có đến 85,6% số sinh viên được hỏi cho biết đã từng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại cộng đồng dân cư, người dân tham gia nhiều nhất vào các chương trình thu gom rác thải; đa số các gia đình đều quan tâm đến quy định “Không đổ rác ra vỉa hè, lòng đường”; 78,2% người dân cho rằng ý thức bảo vệ môi trường đang ngày càng tốt hơn.


Các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi những mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường ở khu dân cư trong hội thảo như: Mô hình “Khu phố không rác”, “Tuyến đường không rác”, “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường". Chị Nguyễn Thị Lệ (Trưởng Ban vận động khu phố 4, phường 6, quận 5) cho biết: Từ khi thực hiện mô hình "Khu phố không rác" đến nay, tình hình vệ sinh môi trường, mỹ quan tại khu phố có những chuyển biến tích cực; ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt; các tuyến đường trên địa bàn khu phố được đảm bảo "xanh - sạch - đẹp".


Đại diện Ủy ban nhân dân phường Tân Thới Hiệp (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi đang thực hiện thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn


Tại nơi đang thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn phường Tân Thới Hiệp, đại diện Ủy ban nhân dân cho biết: Hiện chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường. Các hộ dân tham gia chương trình đã hiểu rõ cách phân loại chất thải rắn tại nguồn, hỗ trợ tốt hơn cho lực lượng làm công tác thu gom. Để phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình, Ủy ban nhân dân phường kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận 12 xem xét đưa nội dung chương trình vào các trường học trên địa bàn, để hình thành thói quen phân loại chất thải rắn tại nguồn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian tới Sở phối hợp với chính quyền phường, xã bố trí thêm các thùng rác công cộng tại các khu vực dân cư mà người dân gặp khó khăn trong việc kết nối thời gian với lực lượng thu gom rác; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.