Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo cảnh báo và giám sát lũ lụtf
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam châu Á, theo đánh giá của Cơ quan quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á. Trong đó với đặc điểm bờ biển trải dọc theo đất nước dài 3260 km, hàng năm Việt Nam thường chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc… trong đó bão lũ là những loại thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả.
Theo nhận định của đại diện Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài nguyên Môi trường thì Việt Nam là quốc gia chịu nhiều loại thiên tai, trong khi đó công nghệ phần mềm dự báo, cảnh báo lũ còn thiếu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì các vấn đề dự báo, cảnh báo lũ lụt là vô cùng cần thiết và quan trọng đặc biệt với những hệ thống cảnh báo lũ sớm trên hệ thống sông. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào cảnh báo lũ sẽ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước thực tế diễn biến lũ lụt và công tác cảnh báo vô cùng cần thiết đối với người dân, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn ODA vào dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo và giám sát lũ lụt”. Tại hội thảo báo cáo kết quả dự án diễn ra ngày 12.3, ADB cho biết: Việt Nam là một trong 3 quốc gia của dự án cùng với Bangladest, Philippines bằng cách ứng dụng công nghệ không gian (SBT) và công nghệ thông tin truyền thống (ICT) trong quản lý, giám sát và dự báo lũ, lụt trên các lưu vực sông.
Ông Đinh Thái Hưng, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay: Tại Việt Nam, công nghệ phần mềm (các mô hình dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt…) còn thiếu và yếu. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì công tác dự báo lũ, ngập lụt cho vùng hạ du các hệ thống sông là cực kỳ quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nằm trong lưu vực hệ thống sông Hồng, lưu vực sông Thao với diện tích 48.000km 2 tính đến trạm Yên Bái chưa có một công trình nào đủ lớn để có thể kiểm soát được lũ trên lưu vực này.
Theo con số thống kê, cường suất lũ lên lớn nhất trên sông Thao tại Bảo Hà ngày 18/8/2012 đã lên tới 60 cm/giờ; Yên Bái là 40cm/giờ. Ngày 26/7/2012 tại Phú Thọ là 23 cm/giờ. Do đó, xây dựng một hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo và dự báo lũ sớm trên lưu vực sông Thao là điều tất yếu quan trọng.
Ông Yusuke Muraki - đại diện ADB cho biết, đến nay Dự án đã áp dụng công nghệ SBT và ICT để quản lý thiệt hại do lũ gây ra đối với lưu vực sông của Việt Nam. Đó là lưu vực sông Hồng và sông Thao, trong đó các chuyên gia chọn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ làm vùng chạy thử trạm đo mưa lưu vực sông và truyền tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo thiên tai. Đối tượng được nhận tin nhắn trực tiếp là Chủ tịch xã và Trưởng thôn. Trên cơ sở thông tin nhận được, chính quyền địa phương đã có phương án di dời dân giảm nhẹ thiên tai gây ra đối với địa phương.
Các hoạt động được thực hiện tại dự án bao gồm: Hiện chỉnh số liệu mưa ở lưu vực sông đo qua vệ tinh; xây dựng hệ thống giao diện giữa số liệu mưa vệ tinh và hiện chỉnh dùng dự báo lũ; xây dựng GSWeb cảnh báo lũ; xây dựng mô hình chạy thử cảnh báo lũ qua tin nhắn và điện thoại di động; tăng cường năng lực công nghệ và xây dựng hướng dẫn chính sách, giám sát và đánh giá phương thức quản lý viễn thám…
Cho đến nay, những bất thường của thời tiết đang là mối đe dọa thường xuyên nguy hiểm đối với sản xuất và đời sống, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, bài học từ phục vụ phòng chống thiên tai bão, lũ lụt cho thấy yêu cầu đối với dự báo khí tượng thủy văn ngày càng cao trong khi các tác động của thiên tai ngày càng nghiêm trọng do dân cư tăng lên và các hoạt động kinh tế xã hội thương mại ngày càng phát triển.
Khu vực Tây Bắc Việt Nam với địa hình những dãy núi cao, độ dốc lớn, khi có mưa thì lượng nước tập trung vào các sông suối nhanh, thời gian ngắn, việc có được những thông tin nhanh nhất, cập nhật nhất và chính xác nhất về khả năng xuất hiện lũ trên sông suối là yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết cho việc triển khai các phương án ứng phó của các địa phương có khả năng chịu tác động phía hạ du, nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do lũ, ngập lụt gây ra. Để hiện thực hóa được điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, mức độ chi tiết, thời gian phân tích và xử lý thông tin, cũng như các biện pháp được áp dụng để kiểm soát chúng.
Các nước thuộc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, biện pháp phi công trình đã và đang được sử dụng và được xem như là một phương pháp hiệu quả trong việc theo dõi và cảnh báo lũ, ngập lụt trên lưu vực sông, giúp giảm nhẹ những thiệt hại về người và tài sản gây ra bởi lũ, ngập lụt cho người dân sinh sống trên lưu vực.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét