Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Sản xuất nước sạch từ không khí



Công ty Water-Gen, Israel vừa phát triển thành công thiết bị sản xuất nước uống sạch GENius bằng cách làm lạnh không khí loãng và cô đặc hơi nước. Thiết bị này có thể sản xuất 200-800 lít nước sạch mỗi ngày.




Một thiết bị sản xuất nước sạch GENius. Ảnh: Water-Gen

Theo CNN, thiết bị sản xuất nước sạch có tên GENius, hoạt động như một bộ chuyển đổi nhiệt để làm lạnh không khí và ngưng tự hơi nước.

Sau khi được đưa vào hệ thống GENius, không khí sạch được khử hơi nước. Nước từ không khí sẽ được thu lại trong một bể chứa. Tại đây, nước sẽ được dẫn qua một hệ thống lọc để khử bẩn, loại bỏ chất hóa học và vi sinh vật. Bể chứa bên trong sẽ lưu trữ và bảo vệ nước sạch ở điều kiện đảm bảo chất lượng cao.
Do được trang bị hệ thống lọc nước di động, thiết bị cho phép lọc nước trên đường đi. Ở bất kỳ nơi nào như hồ, sông, suối... qua GENius đều cho ra sản phẩm nước uống đạt chất lượng.

"Nhiều công ty từng áp dụng phương pháp tách nước sạch từ không khí. Điều này có vẻ khá đơn giản, nhưng vấn đề là làm thế nào để thực hiện đạt hiệu quả. và sản xuất được càng nhiều càng tốt với mỗi kilowatt điện", Arye Kohavi, đại diện của công ty Water-Gen, nhà sản xuất hệ thống sản xuất nước sạch, cho biết.

Hệ thống của Water-Gen có thể sản xuất từ 250-800 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ và độ ẩm. Chi phí sử dụng điện năng để sản xuất một lít nước sạch khoảng 2 cent (0,02 USD).

Mục tiêu sản xuất ban đầu của hệ thống GENius là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF). Các thiết bị GENius cũng đã được bán cho nhiều đơn vị quân đội ở 7 quốc gia khác.

Trong tương lai, Water-Gen hy vọng rằng thiết bị này có thể phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân ở các quốc gia đang phát triển và khu vực còn thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Tại Ấn Độ, GENius có thể sản xuất một lít nước sạch với chi phí 1,5 rupee, rẻ hơn nhiều so với số tiền 15 rupee để có một lít nước đóng chai.
Ngoài khả năng làm lạnh không khí và cô đặc hơi nước, GENius còn được trang bị hệ thống lọc nước di động, vận hành bằng pin, cho phép lọc nước trên đường đi. Ở bất kỳ nơi nào: hồ, sông, suối, nơi bị ô nhiễm chất thải, qua GENius đều cho ra sản phẩm nước uống đạt chất lượng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 780 triệu người trên thế giới hiện nay không được sử dụng nước sạch, hàng năm có hơn 3,4 triệu người chết vì các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến nước bẩn. Water-Gen hy vọng rằng sản phẩm của họ có thể đóng góp một giải pháp hữu ích thiết yếu trong tình trạng khủng hoảng nước hiện nay.



Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo cảnh báo và giám sát lũ lụtf



Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam châu Á, theo đánh giá của Cơ quan quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á. Trong đó với đặc điểm bờ biển trải dọc theo đất nước dài 3260 km, hàng năm Việt Nam thường chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc… trong đó bão lũ là những loại thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả.

Theo nhận định của đại diện Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài nguyên Môi trường thì Việt Nam là quốc gia chịu nhiều loại thiên tai, trong khi đó công nghệ phần mềm dự báo, cảnh báo lũ còn thiếu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì các vấn đề dự báo, cảnh báo lũ lụt là vô cùng cần thiết và quan trọng đặc biệt với những hệ thống cảnh báo lũ sớm trên hệ thống sông. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào cảnh báo lũ sẽ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trước thực tế diễn biến lũ lụt và công tác cảnh báo vô cùng cần thiết đối với người dân, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn ODA vào dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo và giám sát lũ lụt”. Tại hội thảo báo cáo kết quả dự án diễn ra ngày 12.3, ADB cho biết: Việt Nam là một trong 3 quốc gia của dự án cùng với Bangladest, Philippines bằng cách ứng dụng công nghệ không gian (SBT) và công nghệ thông tin truyền thống (ICT) trong quản lý, giám sát và dự báo lũ, lụt trên các lưu vực sông.

Ông Đinh Thái Hưng, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay: Tại Việt Nam, công nghệ phần mềm (các mô hình dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt…) còn thiếu và yếu. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì công tác dự báo lũ, ngập lụt cho vùng hạ du các hệ thống sông là cực kỳ quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm trong lưu vực hệ thống sông Hồng, lưu vực sông Thao với diện tích 48.000km 2 tính đến trạm Yên Bái chưa có một công trình nào đủ lớn để có thể kiểm soát được lũ trên lưu vực này.








Theo con số thống kê, cường suất lũ lên lớn nhất trên sông Thao tại Bảo Hà ngày 18/8/2012 đã lên tới 60 cm/giờ; Yên Bái là 40cm/giờ. Ngày 26/7/2012 tại Phú Thọ là 23 cm/giờ. Do đó, xây dựng một hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo và dự báo lũ sớm trên lưu vực sông Thao là điều tất yếu quan trọng.

Ông Yusuke Muraki - đại diện ADB cho biết, đến nay Dự án đã áp dụng công nghệ SBT và ICT để quản lý thiệt hại do lũ gây ra đối với lưu vực sông của Việt Nam. Đó là lưu vực sông Hồng và sông Thao, trong đó các chuyên gia chọn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ làm vùng chạy thử trạm đo mưa lưu vực sông và truyền tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo thiên tai. Đối tượng được nhận tin nhắn trực tiếp là Chủ tịch xã và Trưởng thôn. Trên cơ sở thông tin nhận được, chính quyền địa phương đã có phương án di dời dân giảm nhẹ thiên tai gây ra đối với địa phương.

Các hoạt động được thực hiện tại dự án bao gồm: Hiện chỉnh số liệu mưa ở lưu vực sông đo qua vệ tinh; xây dựng hệ thống giao diện giữa số liệu mưa vệ tinh và hiện chỉnh dùng dự báo lũ; xây dựng GSWeb cảnh báo lũ; xây dựng mô hình chạy thử cảnh báo lũ qua tin nhắn và điện thoại di động; tăng cường năng lực công nghệ và xây dựng hướng dẫn chính sách, giám sát và đánh giá phương thức quản lý viễn thám…


Cho đến nay, những bất thường của thời tiết đang là mối đe dọa thường xuyên nguy hiểm đối với sản xuất và đời sống, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, bài học từ phục vụ phòng chống thiên tai bão, lũ lụt cho thấy yêu cầu đối với dự báo khí tượng thủy văn ngày càng cao trong khi các tác động của thiên tai ngày càng nghiêm trọng do dân cư tăng lên và các hoạt động kinh tế xã hội thương mại ngày càng phát triển.


Khu vực Tây Bắc Việt Nam với địa hình những dãy núi cao, độ dốc lớn, khi có mưa thì lượng nước tập trung vào các sông suối nhanh, thời gian ngắn, việc có được những thông tin nhanh nhất, cập nhật nhất và chính xác nhất về khả năng xuất hiện lũ trên sông suối là yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết cho việc triển khai các phương án ứng phó của các địa phương có khả năng chịu tác động phía hạ du, nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do lũ, ngập lụt gây ra. Để hiện thực hóa được điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, mức độ chi tiết, thời gian phân tích và xử lý thông tin, cũng như các biện pháp được áp dụng để kiểm soát chúng.


Các nước thuộc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, biện pháp phi công trình đã và đang được sử dụng và được xem như là một phương pháp hiệu quả trong việc theo dõi và cảnh báo lũ, ngập lụt trên lưu vực sông, giúp giảm nhẹ những thiệt hại về người và tài sản gây ra bởi lũ, ngập lụt cho người dân sinh sống trên lưu vực.



Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Điêu đứng vì cá chết hàng loạt tại hồ Bà Long


Hàng chục tấn cá của nông dân sắp đến vụ thu hoạch bất ngờ chết, nổi trắng mặt hồ. Công sức, tiền bạc đầu tư của hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Chỉ trong vòng 7 ngày nay, có hơn 15 tấn cá chết, nổi trắng mặt nước hồ Bà Long (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khiến người nuôi cá lo lắng, nguyên nhân có thể do nước hồ bị ô nhiễm.


Lấp lánh… xác cá

Ông Nguyễn Văn Hòa (thành viên tổ nuôi cá) cho biết, tổ nuôi cá đã đầu tư một tấn cá giống, chi phí hơn 100 triệu đồng bao gồm các loại cá mùi, mè, trôi, chép, phi. Ước tính, năm nay có thể thu hoạch được trên 100 tấn, bán được 1 tỉ đồng. Thế nhưng chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch thì cá chết khiến người nuôi điêu đứng.

Tuy nhiên,cũng theo ông, cá bắt đầu chết từ mùng ba Tết và rộ lên vào tuần rồi. Chỉ trong khoản 6 ngày, đã có trên 15 tấn cá chết, nổi trắng mặt nước. Xác cá bị gió thổi dạt vào bờ hồ Bà Long, đa phần là cá mè có trọng lượng khoảng 0,8 - 1kg. Mùi hôi tanh bốc lên bay xa cả trăm mét.
“Ban đầu, tôi tưởng do thời tiết thay đổi nên cá chết, nhưng càng lúc cá chết càng nhiều trong khi các hồ Thanh Niên và hồ Sông Mây lân cận thì lại không có tình trạng này xảy ra. Do đó, có thể cá chết do trời nắng nóng cộng với nguồn nước bị ô nhiễm”-ông Hòa nghi vấn.
Cá chết do ô nhiễm nguồn nước?
Theo ông Vinh, hồ Bà Long như một lòng chảo hứng toàn bộ nước thải từ Khu công nghiệp Hố Nai. Ngoài ra, nước sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh lòng hồ cũng góp phần hủy hoại môi trường nước. Cá chết khiến người dân rất lo âu và hoang mang nên xã đang làm kiến nghị để các cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh chỉ xử lý.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Hội nông dân xã Hố Nai 3 cũng khẳng định nước có màu xanh đậm, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu xung quanh hồ,có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và người dân sống tại địa phương.
Trong khi đó, ông Mai Ngọc Tình – Phó trạm phụ trách khu vực Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu (thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, đơn vị quản lý hồ Bà Long) cho biết, đoàn liên ngành đã xác minh và lập báo cáo xem xét hiện trạng vụ việc.
Cũng theo ông Tình: “Hiện chưa có kết luận nhưng chúng tôi nghi vấn cá chết là do nước xả từ các nhà máy đổ xuống hồ, vì đã có một trường hợp bị chúng tôi lập biên bản.”.







Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Nước sông Bồ bất ngờ dâng cao



Nước sông Bồ bất ngờ dâng cao từ sáng đến trưa nay 27-3, gây ngập ruộng đồng và làng xóm vùng hạ du thuộc thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế).


Người dân di dời các bè cá vào gần bờ, tránh bị nước lũ cuốn trôi


Ông Lê Văn Hải, chủ tịch UBND xã Quảng An (huyện Quảng Điền) cho biết không nhận được thông báo thủy điện Hương Điền (đầu nguồn sông Bồ) xả lũ nên chính quyền và người dân đều bị bất ngờ. Hơn 300ha lúa đang thì trổ đồng của xã Quảng An bị ngập trong nước lũ, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ mất mùa nặng. Hơn 500ha lúa tại các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ và thị trấn Sịa (Quảng Điền) cũng bị ngập trong nước lũ.
Lúc 12g trưa nay, tại vùng hạ du sông Bồ cho thấy nước vẫn dâng cao, làm ngập nhiều diện tích lúa và hoa màu tại thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền.

Tại xã Quảng An (huyện Quảng Điền), nước lũ tràn tuyến đê bao làm ngập hơn 100ha lúa. Trong khi đó hàng trăm ha lúa và hoa màu ở các xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) và xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cũng bị ngập trong nước lũ.

Đến 14g chiều, nước lũ vẫn còn dâng cao. Chính quyền địa phương và các HTX nông nghiệp đang triển khai bơm tiêu úng.





Các tuyến đường ở thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn bất ngờ bị nước lũ làm ngập - Ảnh: Nguyên Linh

Ông Hồ Công Tầng (thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn) cho biết nước lũ lên quá bất ngờ, thủy điện xả lũ mà không thông báo trước nên hai lồng cá của anh bị nước lũ cuốn trôi, phải nhờ bà con hàng xóm ứng cứu mới cố định được lồng cá. Anh Tầng cho biết hơn hai sào bắp của gia đình anh cũng đã bị nước lũ làm ngập, gãy đổ dẫn đến hư hại nặng nề.
Theo ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên-Huế, do lượng mưa đầu nguồn lớn nên lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền đo được từ 0h đến 5h sáng 27/3 đạt 728 đến 1.735m3/s; lưu lượng về hạ du là 485m3/s, trong đó lưu lượng xả qua tràn là 1000m3/s, sau đó giảm xuống 600m3/s.

Cũng theo ông Hùng:"sau khi lượng nước xả về lớn và lên nhanh, Ban chỉ huy đã yêu câu hồ thủy điện Hương Điện giảm lưu lượng chỉ còn khoảng 600m3/s".






Chiều 27-3, hoc sinh xã Hương Toàn phải lội lũ đến trường - Ảnh: Nguyên Linh




Nước sông Bồ tràn qua tỉnh lộ 4B nối liền từ thị trấn Sịa lên Huế - Ảnh: An Bang

Tiền Giang: Khô hạn khiến người dân vùng ven biển có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Hiện nay, thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn tại Tiền Giang diễn biến phức tạp, nhân dân huyện cù lao ven biển Tân Phú Đông đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong những ngày cao điểm sắp tới.



Ảnh minh hoạ


Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện có 7 ao chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt nhân dân, tổng công suất 304.000 m3 nước; trong đó, ao 6 ha tại xã Tân Thới nằm đầu cù lao Lợi Quan, phía thượng lưu sông Tiền đóng vai trò chính bổ cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân các xã giáp biển Đông: Phú Tân, Phú Đông, Phú Thạnh... hiện đang bị mặn bao vây hoàn toàn. Tuy nhiên, ao Tân Thới cũng chỉ đảm bảo cấp nước đến cuối tháng 5, nếu không có nguồn bổ cấp nước ngọt từ sông Tiền vào. Qua khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, các ao chứa còn lại chỉ đủ cấp nước cho nhân dân trong thời gian từ 10 - 15 ngày nữa. Khi đó, phải nhờ nguồn nước bổ cấp từ ao Tân Thới đưa về để phục vụ nhân dân.
Mùa khô năm nay, dòng chảy về đồng bằng thấp hơn năm ngoái, nên mặn trên sông, kênh ven biển sẽ tăng và lan nhan.
 Trước tình hình trên, địa phương thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến độ mặn trên sông để chủ động bơm bổ cấp vào các ao chứa khi độ mặn giảm xuống dưới mức 2 g/lít, nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân trong mùa khô hạn hết sức gay gắt và có thể còn kéo dài. Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, đúc kết kinh nghiệm đối phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa khô, Tiền Giang đã có kế hoạch khẩn cấp để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ven biển của huyện Tân Phú Đông; trong đó, mở lại 17 vòi cấp nước công cộng phục vụ miễn phí cho bà con trong thời gian 3 tháng cao điểm sắp tới. Đồng thời, chủ động bơm trữ nước ngọt trong ao chứa, nạo vét kênh mương nội đồng để tăng lượng trữ nước ngọt, dự phòng máy phát điện để xử lý khi có sự cố, không để nguồn nước bị ách tắc hoặc ngưng trệ... Tổng kinh phí tỉnh đầu tư để giải quyết nước sinh hoạt phục vụ nhân dân ven biển Tân Phú Đông trong năm 2015 trên 15,3 tỉ đồng.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

6.700 tấn chất thải rắn xả ra môi trường mỗi ngày


6.700 tấn chất thải rắn thải ra mỗi ngày là mối đe dọa thường trực với tình hình môi trường tại TP.HCM hiện nay khi các công nghệ xử lý, tái chế rác thải còn lạc hậu.
 Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, hiện mỗi ngày thành phố thải ra trên 6.700 tấn chất thải rắn đô thị, trong đó trung bình có 1.500 -2.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại cần xử lý, tái chế.

Hiện Sở đã kết hợp với Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) và Hiệp hội Giải pháp về Nước và Môi trường đô thị thành phố Osaka (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo "Quản lý tổng hợp chất thải rắn tại TP. Hồ Chí Minh” nhằm tăng cường công nghệ.





Chất thải rắn là sự đe dọa với cuộc chiến bảo vệ môi trường tại TP.HCM


Trước đó, trong chương trình hợp tác ký kết, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến liên quan đến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ lò đốt, xử lý nước rỉ rác, chất thải y tế để TP.HCM tham khảo.
Đi đôi với việc đó, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh cũng đang tổ chức đoàn tham quan thực tế các bãi chôn lấp chất thải rắn, lò đốt rác y tế, nhà máy chế biến phân compost và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để các chuyên gia Nhật Bản xem xét và góp ý.
Trên thực tế, việc xử lý chất thải rắn tại TP.HCM đang tiến hành trên công nghệ lạc hậu, kĩ thuật chưa cãi tiếng. Mới đây, các nhà khoa học đang xem xét một dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma do Trisun và KGC trình bày.

Theo thông tin khả quan, nếu như dự án này triển khai thì 1 tấn chất thải rắn có thể sản xuất được 815KWh điện, tạo ra năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả thông qua công nghệ khí hóa plasma.

Đánh giá của các chuyên gia công nghệ cho rằng dự án này nếu hoạt động tốt sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải hiện tại ở vùng ven gây ô nhiễm môi trường, góp phần giải bài toán năng lượng mà đặc biệt giúp TP giảm quỹ đất cần sử dụng chôn lấp rác thải.

Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC cho hay: “Dự kiến nguồn tài chính cho dự án này vào khoảng 400 triệu đô-la Mỹ. Nếu dự án được chấp thuận về chủ trương, KGC sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 36 tháng chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào vận hành”.